MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mô hình chiếc máy in tiền đầu tiên vẫn được giữ nguyên trạng. Ảnh: K.L

Khám phá nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam độc lập

Khánh Linh LDO | 23/01/2023 13:00

Nhà máy in tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nằm ở đồn điền Chi Nê, nay là xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình - nơi ra đời "giấy bạc Cụ Hồ" mang sứ mệnh lịch sử.

Trở lại khu di tích nhà máy in tiền những ngày cuối năm, trong cơn gió lạnh cuối đông, không gian càng trở nên trầm mặc.

Đưa PV đi tham quan một vòng khu di tích, chị Bùi Thanh Hường - cán bộ tại đây chia sẻ: “Tháng 3.1946, quân Tàu Tưởng và quân Pháp thường xuyên khiêu khích, tìm mọi cách phá hoại cơ sở cách mạng của ta. 

Vì vậy, đồng chí Lê Văn Hiến (lúc này là Bộ trưởng Bộ Tài chính) có lệnh sơ tán một bộ phận của nhà máy in tiền lên xã Cố Nghĩa (nay là Phú Nghĩa) huyện Lạc Thủy, đóng tại đồn điền của gia đình ông Đỗ Đình Thiện.

Tháng 11.1946, tình hình căng thẳng hơn, Chính phủ đã ra lệnh tháo dỡ, vận chuyển toàn bộ máy móc còn lại ở Hà Nội lên Cố Nghĩa. Một lần nữa gia đình ông Thiện lại đón đoàn cán bộ, công nhân viên của nhà máy in tiền Tô - panh về ở và làm việc tại đồn điền của mình”.

Tại đây, gia đình ông Đỗ Đình Thiện đã dành một địa điểm thích hợp, cho mượn nhà xưởng, máy điện, nước của đồn điền Chi Nê cùng một số cơ giới kho tàng để đặt nhà máy in tiền đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do ông Phạm Quang Chúc phụ trách.

Được sự cưu mang, đùm bọc của gia đình ông Đỗ Đình Thiện, cán bộ, công nhân nhà máy in tiền sớm ổn định được cuộc sống và tổ chức, nhanh chóng tiếp tục sản xuất.

Tại đây, tờ giấy bạc có mệnh giá lớn nhất lúc bấy giờ được ra đời là tờ giấy bạc 100 đồng Việt Nam, còn được gọi là tờ bạc "con trâu xanh" kịp thời phục vụ nhu cầu kháng chiến.

Khu di tích bao gồm 3 địa điểm: Ngôi nhà trung tâm của đồn điền xưa, nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng và kho để tiền sau khi in.

Giới thiệu về quy mô nhà máy in tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chị Hường cho biết, nơi đây có hai dãy nhà xưởng in tiền - trước đó là đồn điền của một người Pháp, về sau ông Đỗ Đình Thiện mua lại. 

“Ban đầu, những đồng tiền đầu tiên chưa đẹp, chất lượng giấy in chưa tốt, nhưng được người dân vô cùng hưởng ứng. Vì tờ tiền này đại diện cho nền độc lập, tự do, đặc biệt, trên đồng tiền có in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh” - chị Hường nói. 

Nhà máy in tiền trong buổi sơ khai của chính quyền cách mạng Việt Nam còn hết sức đơn giản. Cách thức in tiền cũng rất thô sơ, in lần lượt từng màu, số sêri, sau đó mới cắt. Mệnh giá lớn được in ốp-xét, mệnh giá nhỏ được in bằng máy sốp, tipô.

Cách nhà xưởng in tiền không xa là nhà ở và nơi tưởng niệm công lao của nhà yêu nước Đỗ Đình Thiện và vợ. 

Trong ngôi nhà ấm cúng trên một ngọn đồi cao ráo, những vật dụng như quần áo, túi xách, vali của hai vợ chồng ông vẫn được lưu giữ gần như nguyên vẹn.

Trao đổi với PV, ông Đinh Ngọc Tân - Phó Ban quản lý các khu di tích huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hòa Bình cho biết: “Khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền đã được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2007 và được đầu tư trùng tu nâng cấp năm 2014 với tổng diện tích trên 15ha. Mỗi năm, đón tiếp hàng nghìn lượt người đến dâng hương và nghiên cứu lịch sử”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn