MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án BT Trường Chính trị Khánh Hòa giao đất vàng giá rẻ cho doanh nghiệp vừa bị khởi tố điều tra. Ảnh: HL

Khánh Hòa khắc phục hậu quả các vụ án quản lý đất đai như thế nào?

Hải LONG LDO | 14/06/2021 09:30

Ba vụ án về sai phạm trong quản lý đất đai bị khởi tố liên tiếp trong vòng 5 tháng qua ở Khánh Hòa. Trong đó, 5 cán bộ cấp cao của UBND tỉnh lâm vào vòng lao lý... Nhưng tất cả mới chỉ là khởi đầu. Người dân và cán bộ Khánh Hòa đang trông chờ vào việc khắc phục hậu quả của những sai phạm này thế nào? Có thu hồi được tài sản cho nhà nước hay không?

Sai phạm đặc biệt nghiêm trọng

Từ cuối năm 2019, Ban Bí thư đã họp, xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương để rồi đi đến quyết định xử lý kỷ luật, cảnh cáo đối với Ban thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa (nhiệm kỳ 2010 - 2015, nhiệm kỳ 2015 - 2020) cảnh cáo đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa (2 nhiệm kỳ 2011 - 2016, nhiệm kỳ 2016 - 2021).

Các cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa là Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh, cựu Phó Chủ tịch Đào Công Thiên lúc đó đã bị nhận xét là vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, phải nhận quyết định kỷ luật cách tất cả các chức vụ trong Đảng. Vì vậy, bây giờ, khi cả 3 cựu lãnh đạo này nhận án, tra tay vào còng là điều không bất ngờ với cán bộ và nhân dân Khánh Hòa. Điều người dân quan tâm là có thu hồi được tài sản cho nhà nước hay không, và còn những ai chưa bị chịu trách nhiệm với những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng này?

Sai phạm trong quản lý đất đai khiến các cựu lãnh đạo Khánh Hòa phải đối mặt với án hình sự, vừa bị bắt giam là đã quá rõ. Đó là để xảy ra rất nhiều vi phạm, khuyết điểm kéo dài trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, thất thoát, lãng phí rất lớn tài nguyên đất đai, tài sản và ngân sách nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh, tác động xấu đến kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng.

Ban Bí thư đã từng chỉ rõ, Ban thường vụ Khánh Hòa đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát... Người đứng đầu là nguyên Bí thư Lê Thanh Quang phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Tỉnh ủy. Vi phạm của ông đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật. Tuy nhiên, người dân Khánh Hòa bức xúc khi thấy ông Quang hiện vẫn đi đánh golf...

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Phạm Văn Chi nêu quan điểm rằng, cán bộ làm sai thì phải bị xử lý hết. Lãnh đạo chính quyền sẽ không thực hiện được nếu Ban thường vụ, Bí thư tỉnh ủy lắc đầu.

Đại diện Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Khánh Hòa - chủ đầu tư 2 dự án liên quan đến các cựu quan chức vừa bị khởi tố cho biết, trong 2 dự án của Cty này ở núi Chín Khúc còn có đầy đủ các văn bản chấp tuận của Ban thường vụ tỉnh ủy trước khi triển khai...

Khó khắc phục hậu quả các sai phạm

Ngoài 4 dự án liên quan đến 3 vụ án vừa bị Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố, tại Khánh Hòa còn cả trăm dự án, công trình hợp tác đầu tư có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trong đó, ít nhất 35 dự án đã bị Thanh tra Chính phủ điểm mặt, chỉ tên. Sau khi bị thanh tra, các dự án này gần như "bất động", nhà đầu tư khốn khó trước thực trạng xây dựng dở dang. Các sở ngành chưa giám giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến dự án sai phạm, đang quá trình thanh tra, điều tra. Và bây giờ, nhiều nhà đầu tư còn lo ngại đến việc có bị khởi tố hay không.

Bởi sai phạm của các cựu lãnh đạo Khánh Hòa đều giống nhau ở các dự án mà họ cấp phép đầu tư, giao đất. Trong đó, nhiều dự án đầu tư dưới hình thức BT đều có đặc điểm chung là định giá thấp và bỏ qua đấu thầu, đấu giá... mà dự án BT Trường Chính trị Khánh Hòa vừa bị khởi tố là điển hình.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, quan tâm lớn nhất của nhân dân là về việc thu hồi thất thoát ngân sách, sai phạm về sử dụng đất, quỹ đất công, quỹ nhà công... Đối với các dự án gây thất thoát ngân sách nhà nước, tỉnh Khánh Hòa sẽ tổ chức rà soát, mời các chủ đầu tư trao đổi, thậm chí đấu tranh, buộc các nhà đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ tài chính. Nhưng ông Tuân cũng thừa nhận, rất khó để có thể thẩm định lại giá và thu hồi tài sản thất thoát.

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - ông Phạm Văn Chi cũng cho rằng, rất khó thu hồi tài sản thất thoát. Thậm chí Khánh Hòa phải xem xét, nới rộng thời gian để các doanh nghiệp sai phạm khắc phục, nộp lại tiền chênh lệch. Nên khoanh vùng, giãn cách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động. Đối với những dự án không liên quan của họ, thì tạo điều kiện cho họ triển khai nhanh...

Dư luận và người dân Khánh Hòa vẫn cho rằng, 5 cán bộ bị bắt vừa qua vì những sai phạm trong quản lý đất đai không thể "tự tung tự tác", để gây ra những sai phạm lớn, kéo dài như vậy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn