MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
80% lồng bè tại H.Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã thực hiện gia cố, di dời đến nơi an toàn trong ngày 29.10.Ảnh:N.D

Khánh Hòa khẩn trương ứng phó với nguy cơ bão đổ bộ

Phương Linh LDO | 29/10/2019 13:36

Sáng 29.10, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa tổ chức họp triển khai công tác ứng phó với vùng áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lớn trên diện rộng.

Nhiều điểm sạt lở ở P.Vĩnh Hòa (TP. Nha Trang) năm 2018 vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao khi mùa mưa lũ đến. Ảnh: P.L

Ông Đặng Văn Dũng - Giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ - cho biết, đến 7 giờ sáng nay (29.10), áp thấp nhiệt đới nằm ở 10,6 độ vĩ Bắc và 115,2 độ kinh Đông cách bờ biển Bình Định đến Ninh Thuận khoảng 100km về phía đông đông nam, sức gió mạnh nhất vùng gần áp tháp nhiệt đới mạnh cấp 6-7.

Nhận định trong 24 giờ tới, ATNĐ nhiều khả năng mạnh lên thành bão trên biển Đông với cường độ cấp 8. Thời gian bão đổ bộ khả năng là chiều 30.10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp từ Bình Định đến Ninh Thuận. Dự báo, bão sẽ vào sâu từ 18 giờ đến 21 giờ ngày 30.10 với cường độ khi đổ bộ cấp 8 giật cấp 9-10.

Do ảnh hưởng hoàn lưu phía Tây và không khí lạnh nên từ chiều 29.10, Khánh Hòa sẽ bắt đầu có mưa. Từ trưa 30.10 đến 7 giờ sáng 31.10, dự báo sẽ mưa to đến rất to từ 250-350mm. Do ảnh hưởng mưa lớn, Khánh Hòa sẽ xuất hiện đợt lũ trên các sông nằm ở mức báo động 2. Các địa phương cần đề phòng nguy cơ lũ quyét cục bộ, sạt lở đất, đặc biệt lưu ý vùng nuôi trồng thuỷ sản trên biển.

“Có nơi sẽ có lượng mưa lớn hơn khi bão vào sát bờ. Diễn biến bão sẽ được chúng tôi theo dõi sát sao với các công cụ mới được trang bị báo vị trí cơn bão chính xác hơn. Đài sẽ cập nhật thông tin chính xác nhất đến các cơ quan liên quan để có ứng phó kịp thời” - ông Dũng nói.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, hiện UBND tỉnh đã ban hành công điện khẩn tới các đơn vị triển khai ngay các biện pháp ứng phó với nguy cơ bảo đổ bộ vào Khánh Hòa trong 1-2 ngày tới. Ông Lê Tấn Bản - Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa - lưu ý các địa phương ven biển cần đặc biệt ưu tiên di dời lồng bè và lao động khẩn trương vào bờ trước khi bão vào.

Tại cuộc họp, nhiều địa phương đã chủ động triển khai ứng phó với mưa bão không còn tâm lý chủ quan sau thiệt hại nặng nề từ cơn bão 12.2017. Ảnh:P.L

Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa cũng kiến nghị lãnh đạo các đơn vị kến nối mạng zalo để cập nhật thường xuyên tình hình mưa bão và công tác chỉ đạo ứng phó, rút kinh nghiệm trong cơn bão số 12.2017. Đồng thời, Ban chỉ huy yêu cầu các địa phương rà soát, kiểm tra những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, triển khai phương án sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn; chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại những khu vực trọng điểm, xung yếu...

Các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh tổ chức trực ban 24/24 giờ; thường xuyên theo dõi diễn biến mưa lũ để chủ động vận hành, tích nước hợp lý đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh căn cứ diễn biến của thời tiết để thực hiện những biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh và giáo viên, cho học sinh nghỉ học khi có tình huống mưa lũ, bão...

Thống kê của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa, toàn tỉnh có 9.797 tàu cá với khoảng 33.000 lao động. Các tàu cá hoạt động trên các vùng biển đã nắm thông tin về áp thấp nhiệt đới và chủ động có kế hoạch phòng tránh an toàn. Hiện 142 tàu cá với gần 1.500 lao động đang hoạt động đánh bắt ở các vùng biển chủ yếu ven Khánh Hòa (64 tàu), Trường Sa (47 tàu)... Toàn tỉnh có gần 2.000 bè nuôi thủy sản với gần 2.800 lao động đang được thông báo di dời, gia cố.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn