MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Văn bản chỉ đạo xử lý vụ phá rừng của UBND tỉnh Khánh Hòa sau khi Lao Động phản ánh. Ảnh: Nhiệt Băng chụp lại

Khánh Hòa yêu cầu kỷ luật cán bộ có liên quan

nhiệt băng LDO | 17/03/2021 11:42
Loạt bài phản ánh của Báo Lao Động đã chỉ rõ thực trạng phá rừng, lấn chiếm đất vô tôi vạ diễn ra trong nhiều năm qua tại xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa. Đặc biệt là sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm tra và xử lý, các cơ quan chức năng tỉnh này đã nhanh chóng vào cuộc.

Hàng trăm cây gỗ rừng tái sinh bị đốn hạ

Làm việc với PV Lao Động, ông Hoàng Trung Sĩ - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) - cho biết, sau khi Báo Lao Động phản ánh về nạn phá rừng ở tiểu khu 231, xã Suối Tân (huyện Cam Lâm), lực lượng kiểm lâm huyện phối hợp với xã Suối Tân tiến hành kiểm tra hiện trường. Kết quả, hơn 7.307m2 diện tích rừng DT 2 (cây gỗ tái sinh) tại lô 3, khoảnh 1, tiểu khu 231 (thuộc xã Suối Tân) bị đốn hạ, lấn chiếm đất. Nhiều cây gỗ có đường kính từ 30-36cm. Theo ông Sĩ, trong diện tích hơn 7.307m2 bị phá, có hơn 1.000m2 đã được UBND tỉnh Khánh Hoà cấp, chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Mỹ Hằng.

Cũng trong năm 2020, Hạt kiểm lâm huyện Cam Lâm đã có liên tiếp 2 văn bản gửi UBND xã Suối Tân đề nghị ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp tại địa phương này. "Thế nhưng, UBND xã Suối Tân không biết thế nào vẫn cứ dây dưa, không có động tĩnh xử lý gì" - ông Sĩ cho biết.

"Thứ 4 tuần này (tức 17.3), công an, viện kiểm sát, kiểm lâm huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan sẽ khám nghiệm hiện trường. Nếu cấu thành tội phạm, chúng tôi sẽ đề xuất khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật". Theo ông Sĩ, khu rừng bị phá ở tiểu khu 231, xã Suối Tân gọi là DT2 nhưng thực chất đã phát triển lên thành rừng xanh phục hồi.

Cán bộ liên quan sẽ bị kỷ luật, kiểm điểm

Sau khi Báo Lao Động phản ánh về nạn phá rừng ở xã Suối Tân, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc kiểm tra, xử lý vấn đề Báo Lao Động phản ánh. Ngày 12.3, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản yêu cầu Sở NNPTNT và UBND huyện Cam Lâm thực hiện các ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản 1345 (ngày 24.2) về việc kiểm tra, xử lý phản ánh thông tin báo đăng về tình trạng phá rừng ở xã Suối Tân, huyện Cam Lâm. Kết quả báo cáo về UBND tỉnh Khánh Hòa trước ngày 20.3 để UBND tỉnh tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Văn bản 1345 yêu cầu "UBND huyện Cam Lâm kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cán bộ trực thuộc trong việc để xảy ra phá rừng trên". Ngay sau đó, UBND huyện Cam Lâm đã tổ chức cuộc họp phê bình UBND xã Suối Tân vì đã thiếu trách nhiệm quản lý trong lĩnh vực lâm nghiệp, để xảy ra tình trạng xâm phạm đất rừng, chặt phá cây rừng trái phép tại tiểu khu 231, xã Suối Tân.

Ông Đỗ Anh Thy - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Khánh Hòa - cho biết: "Thực trạng phá rừng, lấn chiếm đất đã xảy ra nhiều lần ở xã Suối Tân rồi chứ không phải mới đây. Chúng tôi đã có nhiều văn bản đề nghị Hạt kiểm lâm huyện Cam Lâm tham mưu cho UBND huyện kiểm tra, xử lý. Còn để xảy ra phá rừng thì Hạt kiểm lâm và chính quyền sở tại (UBND xã Suối Tân - PV) phải chịu trách nhiệm" - ông Thy nói.

Ngày 9.3, Văn phòng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo kiểm tra, xử lý vấn đề Báo Lao Động phản ánh về phá rừng tại huyện Cam Lâm, Khánh Hòa. Công văn nêu rõ, Báo Lao Động ngày 26.2 đã có bài phản ánh tình trạng phá rừng, chặt phá cây rừng trái phép trên địa bàn xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa. Thực trạng này đã liên tục xảy ra, khiến nhiều diện tích rừng bị tàn phá nghiêm trọng nhưng không được ngăn chặn, xử lý dứt điểm. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm tra, xử lý.

Chủ rừng báo cáo... không nhận trách nhiệm?

Ông Nguyễn Ngọc Khuê - Chủ tịch UBND xã Suối Tân - sau buổi làm việc với PV Báo Lao Động vào ngày 23.2 có hứa hẹn sẽ trả lời các câu hỏi của báo bằng văn bản. "Các anh để lại câu hỏi ở văn phòng rồi tôi trả lời". Thế nhưng, đến nay đã hơn 23 ngày trôi qua, ông Khuê vẫn không phản hồi. Dù việc phá rừng diễn ra khá nghiêm trọng và kéo dài, nhưng tại phần kiến nghị của báo cáo sự việc với UBND huyện Cam Lâm vào ngày 1.3, ông Nguyễn Ngọc Khuê - Chủ tịch UBND xã Suối Tân - vẫn không nhận trách nhiệm và kiến nghị xử lý trách nhiệm của các cán bộ, công chức có liên quan thuộc UBND xã Suối Tân với vai trò là chủ rừng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn