MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lao động thêu tay đang dần bị già hóa

“Khát” lao động, thêu tay truyền thống Bình Lăng “thoi thóp”

Nguyễn Hạnh LDO | 01/11/2017 10:29
Thôn Bình Lăng (xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) được biết đến là làng nghề thêu tay truyền thống có tuổi đời hơn 100 năm. Sau một thời gian dài phát triển hưng thịnh, giờ đây, nghề thêu truyền thống nơi này đang dần bị mai một do khan hiếm nhân lực.

Lao động ở Bình Lăng đang phải đối mặt với tình trạng xuống dốc cả về số lượng lẫn chất lượng. Những người còn bám trụ với nghề thêu chủ yếu rơi vào độ tuổi từ 40-60 tuổi. Số lượng lao động từ 20-40 tuổi chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ở một vài nhà thêu, số thợ còn chưa lên nổi chục người. Nhà thêu Dục Thành, hộ gia đình có truyền thống 160 năm thêu tay ở Bình Lăng, hiện chỉ còn khoảng 8 thợ thêu, hầu hết tuổi đã ngoài 50. Nhà thêu Tuấn Dung (thôn Bình Lăng, xã Thắng Lợi) cũng không khá khẩm hơn. “Nhà có mỗi 4,5 người làm, toàn là bà già chúng tôi thôi, bọn trẻ giờ cũng không mặn mà gì”, cô Phùng Thị Hường, 58 tuổi, thợ thêu nhà thêu Tuấn Dung cho biết.

Nghệ nhân lâu năm trăn trở giữ “chất” nghề.

Tranh thêu tay cao cấp với giá thành chục triệu trở lên đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật cao. Thế nhưng, trình độ thợ hiện nay chỉ có thể thêu tranh đại trà, hàng chợ kém chất lượng.

Khoảng 3,4 năm về trước, thêu tay vẫn còn thu hút được một lượng lớn thanh niên đi học nghề. Song, kể từ khi các cụm công nghiệp xuất hiện trên địa bàn huyện Thường Tín như Quất Động, Phụng Hiệp…, nhiều thanh niên đã bỏ nghề để “đầu quân” cho các khu công nghiệp này. Lương công nhân cao gấp 2,3 lần công thêu.

Bình thường, lương thợ thêu với ngày làm 8 tiếng tính theo giờ làm rơi vào tầm hơn 2 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, lương công nhân với thời gian làm 5 ngày/ tuần dao động từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng.

Để đào tạo ra một thợ thêu kỹ thuật cao mất tầm 5 đến 15 năm. Trung bình, một bức tranh mất tầm 1,2 tháng, thậm chí, có bức mất tầm 4 tháng mới hoàn thành. Đứng trước những đòi hỏi khắt khe ấy, nhiều bạn trẻ đã không còn “nặng lòng” với nghề thêu truyền thống của quê hương.

Thiếu lao động, nhiều hộ gia đình đành phải đóng cửa, chuyển sang làm nghề khác. “Trước đây, cứ 140 hộ thì có 110 hộ làm tranh thêu tay. Còn bây giờ, may ra chỉ còn 4,5 hộ còn bám trụ với nghề”, ông Nguyễn Văn Nam, 45 tuổi, trưởng thôn Bình Lăng cho biết.

Một số hộ khác chuyển sang thêu máy hoặc giảm chất lượng tranh thêu tay. “Như thế, chất riêng của tranh thêu bình Lăng sẽ bị mai một”, nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục chia sẻ.

Đứng trước tình trạng “chảy máu” nhân lực, chính quyền xã Thắng lợi và huyện Thường Tín đã đầu tư mở các lớp dạy nghề ngắn hạn 3-6 tháng miễn phí. Cũng theo ông Nam, chính quyền còn tổ chức các hội thảo dự định mở các tour du lịch để khách hàng trong và ngoài nước có thể tham quan làng nghề.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn