MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bảo vệ đê ngăn lũ cứu lúa ở huyện miền núi Tri Tôn (An Giang). Ảnh: Lục Tùng

Khát nước ở vùng sông nước: Tại cả thiên tai lẫn nhân tai

LỤC TÙNG LDO | 01/10/2021 10:21

Việc xác định đúng nguyên nhân khiến cho ngày càng dần cạn, sẽ giúp ta bắt đúng bệnh để kê đúng thuốc, trị đúng bệnh nhằm giảm thiểu những tác hại khó lường. 

Bao giờ trở lại ngày xưa?

“Sau mấy chục năm gắn bó với nghề được truyền từ đời ông nội, nói bỏ thì cũng buồn. Mong sao các nhà khoa học tìm cách để lũ trở lại như ngày xưa”. Mong muốn của ông Huỳnh Văn Tùng (Phú Lộc, Tân Châu, An Giang) cũng là mong muốn không chỉ riêng hàng triệu người dân vùng ĐBSCL gắn bó với mùa lũ và nhiều nhà khoa học về môi trường, tài nguyên thiên nhiên... Bởi lũ cạn, lũ về không đúng quy luật tự nhiên, không chỉ lấy đi nhiều sản vật gắn liền với văn hóa mùa lũ, ảnh hưởng đến quy luật đa dạng sinh học, mà còn để lại nhiều tác hại lâu dài chưa lường hết được. Các nghiên cứu cho thấy, nếu năm nào lũ cạn, thì thường kéo theo hệ lụy, mùa hạn đến sớm, mặn xâm nhập sâu hơn. Mặt khác, lũ thấp, cũng đồng nghĩa lượng phù sa thượng nguồn về ít, là một trong những yếu tố khiến cho dòng bị “đói” phù sa. 

Tuy nhiên, xem ra mong muốn đó khó trở thành hiện thực. Thực tế cho thấy vòng quay lũ cạn đang ngày càng khắc nghiệt trên hạ lưu sông Mê Kông. Sau những trận gây ngập sâu vào các năm 1978, 1984, 1991, 1996, 2000, thì từ sau 2001 đến nay gần như ĐBSCL không còn lũ lớn. Trong khi đó, những năm lũ thấp đi liền với hạn - kiệt - mặn 1997-1998, 2016, 2019-2020. TS Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập về tài nguyên nước - môi trường cho biết thêm: “Đúng là thời gian gần đây, nhất là 5 năm trở lại đây, toàn lưu vực sông Mê Kông đã phải hứng chịu các đợt hạn hán khốc liệt liên tiếp, gây nhiều thiệt hại to lớn cho các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia ở hạ nguồn”.

Đồng quan điểm này, TS Bùi Đạt Trâm, nguyên Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn An Giang, cho biết thêm: Nguy cơ lũ thấp, hạn - kiệt - mặn sẽ ngày càng gia tăng trong thời gian tới. “Các nghiên cứu chuyên sâu về tình trạng ngày càng khan hiếm nước trên trái đất, trong đó có ĐBSCL cho thấy nguy cơ thiếu nước ở ĐBSCL có thể sẽ còn lớn hơn trong những năm tới” - TS Trâm chia sẻ. Điều này cho thấy mong muốn lũ quay trở lại như ngày xưa là ý tưởng đẹp, nhưng rất khó có thể trở thành hiện thực. 

Tại đê hay do đập?

Thời gian gần đây, khi bàn về lũ ở ĐBSCL, có ý kiến cho rằng chính đập thủy điện phía thượng nguồn và hệ thống đê bao tại ĐBSCL đã khiến cho lũ về ngày một thấp và nhanh chóng bị đẩy nhanh ra biển, khiến cho hạn kiệt khốc liệt hơn... Xác định nguyên nhân lũ cạn, lũ thấp là rất quan trọng, vì đó là nền tảng để chúng ta kê đúng thuốc điều trị. Với tất cả thận trọng đó, chúng tôi đã gõ cửa nhiều chuyên gia về thủy văn để tìm hiểu. Theo TS Tô Văn Trường, mọi tác động vào tự nhiên đều có hai mặt, đập thủy điện thượng nguồn cũng thế. Tuy có những tác động, nhưng không nên “tự dọa mình” khi xem ĐBSCL là nơi bị ảnh hưởng tệ hại nhất từ đập thủy điện của Trung Quốc cả khi đóng lẫn khi xả.

Theo ông Trường, bài toán thuỷ văn, thuỷ lực khi mô phỏng cho thấy tác động của thuỷ điện từ Trung Quốc khi vận hành, xả nước trải dài hàng nghìn kilômét, lại qua điều tiết của Biển Hồ (Campuchia) khi đến Việt Nam, không còn nghiêm trọng như các nước sát vách Trung Quốc”. Đồng quan điểm này, TS Bùi Đạt Trâm nhận xét: Dòng chảy sông Mê Kông đoạn qua địa phận Trung Quốc (Lan Thương) trước và sau khi có hệ thống đập thủy điện không thể “khuynh đảo” dòng chảy sông Mê Kông đến mức “khô kiệt” hoặc “đại hồng thủy” cho vùng hạ lưu.

“Sông Lan Thương chiếm 23% diện tích, sản sinh ra 16% dòng chảy lưu vực sông Mê Kông” - TS Trâm nhấn mạnh - “Điều này có nghĩa là Mô đun dòng chảy (là lượng nước có khả năng sinh sản ra trên một đơn vị diện tích lưu vực là 1km2 trong một đơn vị thời gian) sông Lan Thương nhỏ hơn Mô đun dòng chảy sông Mê Kông đoạn từ biên giới Lào - Trung ra tới biển Đông”. Trong khi đó dòng chảy sông Mê Kông phần còn lại từ biên giới Lào - Trung ra tới biển Đông chiếm tới 84% ứng với phần diện tích tương ứng là 77% của lưu vực sông Mê Kông. Điều này cũng phù hợp với thực tế, trung tâm sản sinh dòng chảy lũ lưu vực sông Mê Kông tập trung vào đoạn từ biên giới Lào - Trung ra tới biển Đông. Đặc biệt là đoạn Vientiane - Pakse - Kratie. Hằng năm vào mùa mưa, khu vực này ngoài đón nhận lượng mưa lớn theo quy luật gió mùa tây nam - gọi là mùa mưa Châu Á, còn đón nhận lượng mưa không nhỏ từ các hình thế thời tiết như trục rãnh thấp, vùng thấp, áp thấp và bão hoạt động trên biển Đông có ảnh hưởng trực tiếp đến sông Mê Kông.

Ông Trâm cũng cho rằng, các nhận định mang tính đổ lỗi cho hệ thống đê bao tại ĐBSCL đã cản lũ và ảnh hưởng quá trình tích lũ là thiếu khoa học. Cụ thể, kết quả nghiên cứu dòng chảy năm, dòng chảy mùa lũ, dòng chảy mùa kiệt sông Cửu Long bằng mô hình thủy văn cân bằng nước cho thấy, có tới trên 90% chảy trong lòng dẫn hệ thống sông - kênh - rạch tiêu về các hướng. Trong đó hướng theo trục sông Tiền, sông Hậu ra biển Đông là chính chiếm trên 90%; về hướng biển Tây và sông Vàm Cỏ chưa tới 10%. Và chỉ có khoảng 8% chảy tràn băng qua các cánh đồng ngập lụt Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và khu vực giữa Sông Tiền, Sông Hậu.

“Những kết quả tính toán mô phỏng và dự báo dòng chảy năm, dòng chảy mùa lũ, dòng chảy mùa kiệt ĐBSCL bằng mô hình thủy lực cũng cho kết quả tương tự. Điều này chứng minh rằng lượng nước chảy tràn làm ngập đồng ruộng sẽ được dồn ép chảy vào hệ thống sông kênh rạch có mật độ rất dày tới 0,45km/km2 phân bố đều khắp ĐBSCL” - TS Trâm nhấn mạnh:  “Do đó chỉ có khả năng làm dâng cao mực nước lũ dọc sông chính và các kênh trục ở mức 0 - 15cm, tùy thuộc vào từng vị trí cụ thể và hình thái lũ sông Cửu Long hằng năm”.  

Theo nhiều nhà chuyên môn, lũ thấp, hạn kiệt vùng ĐBSCL là sự tổng hòa của nhiều yếu tố cả thiên tai và nhân tai. Bên cạnh yếu tố là 1 trong 5 vùng đồng bằng trên thế giới chịu tác động mạnh nhất từ biến đổi khí hậu toàn cầu - nước biển dâng, ĐBSCL còn nằm trong lưu vực sông Mê Kông - nơi được xem là xứ sở “nhiệt đới gió mùa gần xích đạo”, dễ xảy ra cực đoan thời tiết - khí hậu... Ngoài ra còn có yếu tố hết sức quan trọng từ “nhân tai” khi nhiều quốc gia đang tăng tốc khai thác nước sông Mê Kông vào chăn nuôi, trồng trọt... Nhất là trồng lúa nước.

"Ảnh hưởng vận hành thuỷ điện Trung Quốc sẽ giảm đi nếu các nước bên trên hạ lưu có biện pháp thích hợp bù đắp, thay vì gây ra thêm ảnh hưởng. Do đó Việt Nam phải thúc đẩy các nước Thái Lan, Lào và Campuchia bị ảnh hưởng trực tiếp làm áp lực với Trung Quốc, đồng thời yêu cầu họ không làm xấu thêm ảnh hưởng mà hợp tác để giảm thiểu ảnh hưởng xuống Việt Nam. Việc luôn luôn than phiền Việt Nam bị ảnh hưởng lớn nhất do tác động của Trung Quốc chỉ làm cho họ có cớ để gây thêm áp lực cho ta mà thôi". (Theo TS Tô Văn Trường)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn