MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đám cháy lớn từng xảy ra tại Vườn quốc gia Tràm Chim. Điều này cho thấy, khi vào mùa hạn "Đồng Tháp Mười ngày xưa" vẫn khô và dễ phát cháy. Ảnh: LT

Khát nước ở vùng sông nước: Xây hồ trữ lũ - sự đầu tư lãng phí

LỤC TÙNG LDO | 02/10/2021 12:53

Nhiều ý kiến đề xuất và tin tưởng việc xây hồ trữ nước lũ quy mô lớn sẽ giúp ĐBSCL giải hạn vào mùa khô và hơn thế nữa.

Hồ trữ lũ - “lá bùa vạn năng”?

Sau nhiều năm lũ về thấp, nhiều ý kiến đặt ra vấn đề trữ nước lũ cho cả vùng. Cơ sở để các ý kiến này đề xuất là lũ thấp, kéo theo hạn - kiệt sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của hàng triệu người dân. Điển hình là lũ năm 2016 thấp, sau đó ĐBSCL trải qua một trận hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm, khiến cho 160.000ha lúa bị thiệt hại, 500.000ha không xuống giống đúng thời vụ... Nhiều ý kiến đề xuất, nên tận dụng vùng trũng Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tứ giác Long Xuyên (TGLX) để làm 2 hồ khổng lồ chứa nước lũ để hướng tới mục tiêu kép: Vừa cho cả ĐBSCL sử dụng vào mùa khô, vừa không xáo trộn, thậm chí còn là tác động tốt đến hệ sinh thái của vùng đất ngập nước. Theo đó, tận dụng diện tích khoảng 6.970km2 của ĐTM và 4.890km2 của TGLX để xây dựng 2 hồ trữ nước lũ.

Thật ra chuyện trữ nước mùa mưa, lũ để sử dụng vào mùa khô đã được người dân vùng ĐBSCL thực hiện từ rất lâu dưới nhiều hình thức. Quy mô nhỏ thì có lu, khạp; lớn hơn thì có mương, đìa... để sử dụng trong sinh hoạt gia đình và nuôi trồng theo dạng nông hộ... Nhưng đề xuất trữ lượng nước để điều phối nước cho cả vùng thì hoàn toàn mới. Sau thời gian manh nha, xuất hiện dưới dạng ý kiến trong các cuộc họp, hội thảo, ý tưởng này đã nhanh chóng được lan tỏa. Thậm chí được lãnh đạo nhiều địa phương đón nhận và tìm cách hiện thực hóa.

Điển hình là tỉnh An Giang. Cuối năm 2020, lãnh đạo tỉnh này mạnh dạn trình Thủ tướng Chính phủ, chờ bộ ngành cho ý kiến về dự án xây hồ trữ nước ngọt và xem đây như phương án khả thi trong ứng phó với tình trạng lũ ngày càng cạn dần, phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Theo thiết kế ban đầu, dự án hồ trữ lũ và cấp nước ngọt Trà Sư - Tri Tôn có tổng diện tích 3.050ha, tổng chiều dài bờ bao 37,4km, phục vụ tưới 30.000ha đất nông nghiệp. Với cao độ mặt đất khu vực dự án trung bình 1,26m, để hạ thấp cao độ xuống thành 0m, cần nạo vét hơn 137 triệu mét khối đất. Hồ chứa dự kiến có 6 cửa vận hành, sử dụng máy bơm và cửa cống... Với việc xây dựng cơ chế vận hành dưới sự quản lý của Hội đồng Quản lý thủy lợi vùng TGLX, gồm Bộ NNPTNT, Tổng cục Thủy lợi, UBND tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP.Cần Thơ... hồ trữ lũ TGLX được kỳ vọng trữ lũ để điều hòa và quản lý tốt nguồn nước giữa mùa lũ và mùa khô, đảm bảo sinh kế người dân cũng như bảo vệ môi trường.

Đến tháng 6.2021, tiếp tục có thêm tỉnh Long An trình lên Bộ NNPTNT, Chính phủ phê duyệt dự án xây hồ trữ nước lũ tại huyện Thạnh Hóa. Đây là một trong 4 địa phương đã được tỉnh này khảo sát lập quy hoạch hồ chứa nước ngọt vùng ĐTM, gồm: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, thị xã Kiến Tường và Thạnh Hóa. Với việc hướng tới 2 mục tiêu: Vừa cung cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp, tỉnh Long An kỳ vọng dự án này khi hoàn thành ngoài cung cấp nước ngọt cho mùa khô, cũng sẽ góp phần điều tiết nguồn nước ngọt trong mùa mưa lũ.

Đốt tiền nấu trứng?

Trái ngược với sự hồ hởi của địa phương, nhiều nhà thủy văn, thủy lợi bày tỏ lo ngại điều này sẽ trượt theo vết xe đổ của câu chuyện đã trở thành điển tích: “Đốt tiền nấu trứng” của những công tử ngày xưa. TS Bùi Đạt Trâm, cho rằng sẽ là sai lầm nếu xem việc xây hồ chứa lũ là phục hồi lại túi nước ngày xưa. “Từ bao đời nay, TGLX và ĐTM chưa bao giờ là hồ chứa điều tiết nước ngọt” - ông Trâm nhấn mạnh.

Theo TS Trâm, thực chất đó là hai vùng thấp trũng rộng lớn của ĐBSCL, có chế độ thủy văn theo nhịp điệu của chế độ thủy văn sông Mê Kông. Cụ thể là chịu tác động với hai mùa khí hậu và thủy văn tương phản nhau sâu sắc, mùa mưa - lũ (tháng 6-11) và mùa khô - kiệt (tháng 12 đến tháng tư năm sau). Vào mùa mưa lũ, cả hai vùng trũng này bị nước lũ sông Mê Kông dâng cao tràn vào làm ngập lụt sâu, dài ngày trên diện rộng. Sau khi đạt mực nước đỉnh lũ, nước ngập lụt ở đây chảy ngược trở lại vào kênh rạch, được gom dần ra sông chính rồi rút cạn dần hết ra biển Đông và biển Tây. Khi đạt mực nước thấp nhất vào tháng 3 hoặc tháng 4, nhiều khu vực ở đây cũng trở nên khô - hạn - kiệt. Đất  khô nứt nẻ, cỏ cây héo hon, nhiều nơi dòng chua phèn tấn công... “Vậy làm gì có cái “hồ chứa nước ngọt tự nhiên” ở TGLX và ĐTM để hồi phục” - TS Trâm chia sẻ.

Mặt khác, theo ông Trâm, có nhiều cơ sở khoa học để mạnh dạn “nói không” với việc  nên xây hồ chứa quy mô lớn tại TGLX và ĐTM nói riêng ĐBSCL nói chung với mục tiêu ứng cứu nước cho khu vực rộng lớn vào mùa khô. Theo ông Trâm, khác với địa hình miền Bắc và miền Trung có nhiều độ cao khác nhau nên có thể xây hồ tích nước ở khu vực cao rồi làm kênh dẫn nước về vùng hạn - kiệt - mặn. Trong khi đó, ĐBSCL địa hình thấp, đào hồ quy mô lớn có cao trình dưới - (3-4m) để tích nước là không khả thi cho việc cấp nước trên phạm vi rộng. Bởi ngoài yếu tố bốc hơi, thấm dọc và thấm ngang theo quy luật rút dần đến kiệt của dòng chảy hệ thống sông kênh, theo TS Trâm, còn manh nha yếu tố nhiễm bẩn nguồn nước. “Địa chất ĐBSCL là trầm tích dày nhiều lớp sẽ làm nước hồ nhiễm mặn, chua phèn và tích tụ chất độc của sản xuất và đời sống dồn vào” - TS Trâm nhấn mạnh - “Đây là sự đầu tư lãng phí”.

Cần lưu ý sâu sắc rằng vào những năm có cực đoan thời tiết - khí hậu gây ra hạn - kiệt - mặn, ĐBSCL cũng còn có tới 10 tháng dư thừa nước ngọt. Chỉ có khoảng 2 tháng cao điểm là mặn xâm nhập sâu. Còn lại các năm không có cực đoan thời tiết - khí hậu gây ra hạn - kiệt - mặn ĐBSCL, ĐBSCL có đủ nước ngọt quanh năm. (TS Bùi Đạt Trâm)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn