MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tranh minh họa Trịnh Tú.

Khát vọng bình yên

Nguyễn Thị Ngọc Hải LDO | 03/02/2022 09:52
Những người đọc “Bên kia sông Đuống” của thi sĩ tài ba Hoàng Cầm - đều nhớ ông nhắn ai về cho ông gửi tấm the đen cùng “mấy trăm năm giấc mộng bình yên”, giấc mộng quê hương không còn bóng giặc.

Cả suy nghĩ và cảm xúc của một dân tộc đã khó nhọc “sang trang”, gửi vào cho lịch sử ghi nhận quá khứ đau thương và anh hùng, để bước vào Đổi mới. Tưởng như “mộng bình yên “sẽ là bền vững, thì gian nan mới lại đến.

Đại dịch COVID-19 - giặc mới - lại khiến “biển xanh, sông gấm, nối tròn một vòng tử sinh” - câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đưa trở lại sinh tử theo nghĩa đen, tính mạng con người bị đe dọa không bom đạn mà từ nẻo bất ngờ. Có ai nghĩ rằng, đến cái thời hiện đại, phải kích cầu, du lịch khắp nơi, ẩm thực tìm tòi bao món mới - cứ như đời sống quá dư thừa thì… anh bộ đội tiếp sức cho Thành phố Hồ Chí Minh -  đi chợ mua hộ cho người dân… cọng hành cũng mừng trong những ngày thành phố lớn nhất nước phải giãn cách.

Lễ tưởng niệm hơn 23.000 đồng bào chiến sĩ hy sinh trong dịch COVID-19 (diễn ra đêm 19.11.2021), ghi dấu bao sự bất ngờ, bao nỗi đau cũng như bao hy sinh, sự xả thân và tình người cao đẹp. Những gia đình nhiều người chết, cả nghìn đứa trẻ mồ côi “trong chốc lát”, con người tự nhiên “như làn khói bay đi”, cuộc sống đảo lộn… làm cho khát vọng bình yên lại cháy bỏng.

Sau nhiều tìm tòi đường hướng để chống trả, con người đã có vaccine và thuốc, đã “thực hành lý thuyết miễn dịch cộng đồng”, đã tìm đủ kiểu chính sách ứng phó, đã trải qua bao biến cố chỉ trong hai năm.

Bây giờ các vấn đề sinh tử, các câu hỏi đặt ra mới mẻ ngay với cả chuyện của hôm qua. Vaccine có “cứu nhân loại”, có giảm dần miễn dịch? Vì sao COVID-19 bỗng nhiên như sắp “biến mất “ ở Nhật Bản và Châu Phi? Vì sao Đức tiêm nhiều vẫn bùng dịch? Vì sao nửa phía Tây tiêm chủng, nửa phía Đông lơ là nghi ngờ vaccine - đã như “tách đôi” Châu Âu…

Cách thức chống dịch, các chính sách cũng gây chia rẽ. Châu Âu biểu tình lớn ở Áo, Hà Lan… chống các biện pháp hạn chế để chống dịch đang lan rộng. Việt Nam, Singapore… dần dần “bình thường mới” và nhiều quốc gia bỏ chính sách “Zero Covid”… và phải thiết kế cách sống mới. Tất cả vì khát vọng bình yên.

Rồi sẽ vượt qua, như với bao đại dịch trước đó nhân loại đã nếm trải. Câu hỏi chung của loài người sẽ là làm gì cho môi trường sống. Muốn bình yên phải trả lời cụ thể: Giảm bao nhiêu khí thải, giữ nhiệt độ đừng tăng bao nhiêu, bao giờ chấm dứt phá rừng…

Không còn là chuyện nhỏ, hay riêng lẻ. Nhiều thứ - ngay cả lĩnh vực “không nhìn thấy”, lĩnh vực tinh thần cũng đã thành cả một hệ sinh thái: Hệ sinh thái Văn hóa, hệ sinh thái Truyền thông…

Nhưng mọi thứ đau khổ nhất, tai họa dù lớn đến đâu, chiến tranh, thiên tai động đất, dịch bệnh… đều phải qua đi vì khát vọng sống, khát vọng bình yên và thịnh vượng của con người. Như Vua hài Charlie Chaplin nói: ”Không có gì vĩnh cửu ở đời này, kể cả nỗi buồn phiền muộn của chúng ta”.

Chính con người - chứ không gì khác, có thể làm nên cuộc sống tốt đẹp hay không. Vì qua đại dịch, con người đã có câu trả lời về khoa học là chế ra vaccine và dần nhiều thứ thuốc. Họ đã biết được rằng, dù con virus này có biến chủng cũng đến một giới hạn nào đó - cho đến khi sự biến đổi này làm hại cho chính sự tồn tại của nó. Không phải là biến đổi vô biên.

Chỉ có một thứ quyết định nữa cho thoát dịch, chính là hành vi của con người - thứ vẫn chưa thể đoán định được.

Vì thế, khi con người có khát vọng bình yên thì chúng ta sẽ làm được.

Đất nước đang hồi sinh, phát triển kinh tế, thay đổi lối sống, trân trọng cuộc đời. Chúng ta lại phấn đấu cho tương lai, nói về chuyển đổi số, về phục hồi doanh nghiệp. Thành phố Hồ Chí Minh đang làm diễn đàn hiến kế giải pháp công nghệ phát triển thành phố.

Lại bắt đầu vào bán kết cuộc thi lần thứ 7 dự án khởi nghiệp trong Nông nghiệp, cả trực tuyến và trực tiếp. Qua Facebook của các nhà báo, lại thấy thí sinh Quảng Trị chạy đến đồn biên phòng kiếm wifi trình bày dự án café đặc sản canh tác đa dạng sinh học dưới vườn rừng…

“Nhỏ” như chả rươi Hải Phòng, sapoche Lâm Đồng, nâng cao giá trị mắm chao cá mè Vinh…Những câu chuyện kinh doanh mùa COVID-19. Lớn như xe Vinfast đang đến nước Mỹ…

“Mấy trăm năm giấc mộng bình yên…” của Hoàng Cầm, mong thấy hội hè đình đám, cụ già tóc trắng, bé em sột soạt quần nâu, cô hàng xén răng đen… Tất cả bề dày đời sống ấy còn nguyên vẻ đẹp thương mến trong lòng người Việt để hôm nay giục bước thêm những khát vọng bình yên mới của sự phát triển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn