MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Điểm cuối của đoạn 1 Vành đai 2 TPHCM tại nút giao Bình Thái, đường Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Anh Tú

Khép kín đường Vành đai 2 TPHCM, kỳ vọng đẩy nhanh nhờ cơ chế mới

MINH QUÂN LDO | 19/09/2023 06:41

TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2030 phải khép kín được đường Vành đai 2 để giảm ùn tắc ở nội thành, tăng kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, cao tốc.

Còn 4 đoạn, gần 14km chưa hoàn thành

Vành đai 2 được quy hoạch năm 2007, dài 64km, quy mô 6-10 làn xe. Tuyến bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) qua cầu Phú Mỹ (Quận 7), tiếp tục ra ngã tư Bình Thái nối vào nút giao Gò Dưa (thành phố Thủ Đức), điểm cuối ra Quốc lộ 1 rồi chạy vòng về Nguyễn Văn Linh tạo thành đường vòng quanh TPHCM. Tuy nhiên, sau 16 năm, toàn tuyến mới làm xong 50km, còn 14km chia làm 4 đoạn chưa hoàn thành.

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, hiện chỉ đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức) dài 2,7km được triển khai từ năm 2017 với tổng đầu tư hơn 2.700 tỉ đồng theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Nhưng từ năm 2020, khi đạt 44% khối lượng công trình phải ngừng thi công đến nay do gặp khó khăn về mặt bằng và thủ tục điều chỉnh dự án.

Trong 3 đoạn còn lại chưa triển khai, đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp, dài 3,5km có tổng mức đầu tư khoảng 9.328 tỉ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 6.675 tỉ đồng) từ ngân sách thành phố.

Ngày 6.9, Hội đồng thẩm định TPHCM đã thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. UBND TPHCM dự kiến trình HĐND TPHCM quyết định chủ trương đầu tư dự án trong kỳ họp tháng 9 này. Dự án khởi công quý II/2025, thi công và hoàn thành trong quý IV/2026.

Còn đoạn 2 từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng (dài 2,8km, tổng vốn 4.543 tỉ đồng) và đoạn 4 từ Quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh (dài 5,3km, tổng mức đầu tư 16.417 tỉ đồng) hiện UBND TPHCM chưa cân đối được vốn.

Kỳ vọng đẩy nhanh nhờ cơ chế mới

Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TPHCM - việc khép kín Vành đai 2 nhiều năm qua được chính quyền TPHCM rất quan tâm, song khó khăn lớn nhất là nguồn vốn.
Đoạn 1 và 2 của dự án trước đây tính thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BT (thanh toán bằng quỹ đất). Tuy nhiên, loại hợp đồng này hiện loại khỏi luật PPP nên suốt nhiều năm qua TPHCM vẫn chưa cân đối được vốn để triển khai.

Mới đây, Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM cho phép TPHCM áp dụng hình thức BT theo phương án trả chậm bằng ngân sách, thay vì thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất như trước. Khi làm theo hình thức BT trả chậm, TPHCM có thể đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư làm ngay các đoạn còn lại của Vành đai 2. Nhà đầu tư xây dựng công trình đó và TPHCM sẽ thanh toán (sau khi công trình hoàn thành, được quyết toán) trong khoảng thời gian 5-10 năm.

Các đoạn còn lại của dự án Vành đai 3 nếu tiếp tục chậm trễ sẽ tăng vốn đầu tư do giải phóng mặt bằng. Đơn cử như đoạn 4 Vành đai 2, theo báo cáo của Sở GTVT TPHCM gửi UBND TPHCM tháng 11.2021, tổng mức đầu tư đoạn này khoảng 9.240 tỉ đồng.

“Dự án sẽ giảm ùn tắc còn tạo đồng thuận trong quá trình triển khai thu phí hạ tầng cảng biển” - ông Trần Quang Lâm nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn