MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghiên cứu chuyển phòng chống COVID-19 ra khỏi nhóm bệnh đặc biệt nguy hiểm. Ảnh minh hoạ: Phạm Đông

Khi COVID-19 chuyển thành bệnh "nguy hiểm", cách phòng chống dịch thế nào?

Phạm Đông LDO | 20/03/2022 15:52
Nghị quyết 38 về chương trình phòng, chống dịch COVID-19 đề ra việc nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Như vậy, khi chuyển COVID-19 từ nhóm bệnh "đặc biệt nguy hiểm" sang nhóm bệnh "nguy hiểm", công tác phòng, chống dịch sẽ có sự thay đổi thế nào?

Chính phủ mới đây đã ban hành tại Nghị quyết 38/NQ-CP 2022 về chương trình phòng, chống dịch COVID-19. Đáng chú ý, Nghị quyết nhấn mạnh đến việc thực hiện linh hoạt nguyên tắc "ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch" theo quy mô và phạm vi hẹp nhất có thể, phù hợp với diễn biến dịch bệnh.

Nghị quyết cũng nêu rõ việc nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A (đặc biệt nguy hiểm) sang bệnh truyền nhiễm nhóm B (nguy hiểm).

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM, cần sớm đưa COVID-19 ra khỏi nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm A để phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện ổn định đời sống xã hội.

Cũng theo chuyên gia này, nếu COVID-19 được đưa về bệnh truyền nhiễm nhóm B, cũng như bệnh sốt xuất huyết hay tay chân miệng, cơ quan chuyên môn sẽ tập trung đối tượng nguy cơ cao, có dấu hiệu chuyển nặng thì điều trị sớm.

Theo đó, khi chuyển nhóm bệnh, cơ quan chuyên môn phải ban hành các chính sách kèm theo để đáp ứng vừa phát triển kinh tế, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là người nghèo, nhóm người dễ bị tổn thương.

Chuyên gia nhận định, khi COVID-19 được chuyển sang nhóm bệnh "nguy hiểm", các biện pháp ứng phó với dịch sẽ thay đổi rất nhiều, từ vấn đề giám sát, quản lý ca bệnh, xét nghiệm. Ví dụ như bệnh cúm mùa, hiện chúng ta vẫn giám sát nhưng không công bố ca nhiễm hằng ngày. Việc giám sát chỉ mang tính chất "điểm" để đơn vị dịch tễ nắm được, từ đó tính toán, đánh giá tình hình. Chúng ta cũng không xét nghiệm tràn lan COVID-19 nữa.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhận định: Trong bối cảnh 2 năm tới, khi Bộ Y tế chuyển COVID-19 từ nhóm bệnh truyền nhiễm A sang B, đây là một chuyển biến tốt, phù hợp với xu hướng trên thế giới.

Ông Nga phân tích, khi COVID-19 chuyển sang nhóm B, không có nghĩa là hết dịch. Bệnh chỉ chuyển từ nhóm "đặc biệt nguy hiểm" sang "nguy hiểm", nới lỏng các hoạt động kinh tế-xã hội nhưng vẫn phải chống dịch, tiếp tục chương trình tiêm chủng.

Chiến lược ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị hiệu quả là chiến lược của phòng chống bệnh truyền nhiễm. Khi chúng ta thay đổi COVID-19 thành bệnh đặc hữu thì chiến lược đó vẫn còn nguyên giá trị nhưng trong từng giải pháp, chúng ta sẽ có những thay đổi.

"Khi COVID-19 chuyển sang nhóm B, người dân vẫn tuân thủ các biện pháp bảo vệ như đeo khẩu trang, rửa tay", ông Nga nói và nhấn mạnh phải bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ có bệnh nền. Các bệnh viện vẫn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch, thực hiện theo dõi bệnh nhân và đề phòng việc bệnh nhân COVID-19 vào ở chung với bệnh nhân thường.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, việc nghiên cứu loại COVID-19 khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A là rất cần thiết, tuy nhiên tiềm ẩn 10% nguy cơ.

Theo ông Dũng, COVID-19 hiện lây lan nhanh so với các bệnh truyền nhiễm khác như cúm mùa, sốt xuất huyết. Dù chủng Omicron hạn chế nguy cơ diễn biến nặng và tử vong, nhưng tỷ lệ tử vong vẫn ở mức cao.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn chưa thể đảm bảo tiêm phủ hết vaccine cho những đối tượng có nguy cơ cao. Không ít người cao tuổi, người có bệnh nền thuộc diện chống chỉ định nên vẫn chưa được vaccine bảo vệ.

"Nhiều người nghĩ đơn giản khi COVID-19 được hạ cấp độ, nhà nước ít kiểm soát hơn thì các hoạt động thường ngày, kinh doanh sẽ dễ dàng hơn, nhưng thực ra còn nhiều vấn đề phức tạp. Do đó, để thực hiện cần có lộ trình từng bước, không thể làm trong ngày một, ngày hai", ông Dũng nhấn mạnh.

Một chuyên gia y tế khác cho hay, ban đầu chưa có vaccine phòng COVID-19 nguy cơ chuyển nặng, tử vong cao. Nhờ có vaccine cơ thể tạo ra hệ miễn dịch, đa phần mọi người nhiễm bị nhẹ, ít ca nặng và tỉ lệ tử vong thấp. Nếu xem COVID-19 là bệnh lý chuyên khoa truyền nhiễm thành nhỏ hẹp, chúng ta tiếp tục các biện pháp, tham gia sản xuất. Khi nào có triệu chứng làm xét nghiệm, có chẩn đoán vào bệnh viện, sẽ có bác sĩ chuyên khoa chữa trị một cách chuyên sâu nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn