MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đề xuất cải cách chữ tiếng Việt của PGS. TS Bùi Hiền

Khi "giáo dục" thành "záo zụk": Đến tuổi teen cũng "khó nhằn"

PD LDO | 26/11/2017 19:00

Liên quan đề xuất cải tiến chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền đang “gây bão” trong thời gian gần đây, PV báo Lao Động đã làm một cuộc khảo sát đối với các bạn trẻ để xem họ phản ứng như thế nào trước chữ viết “lạ” này.

Giới trẻ cũng thấy “khó nhằn”

Hầu hết các bạn trẻ được phỏng vấn đều nghĩ rằng chữ tiếng Việt theo đề xuất của PGS. TS Bùi Hiền chỉ là ngôn ngữ của tuổi teen, lứa tuổi thường hay phá cách và viết tắt chữ cái theo ý thích của mình.

“Chữ viết này chỉ hợp với các bạn “trẻ trâu” thôi, khoảng học sinh lớp 7, lớp 8 thì mới hay dùng kiểu chữ này, chứ đối với sinh viên đại học như mình thì khi viết hoặc nhắn tin đều viết đủ các ký tự”, bạn Nguyễn Thị Hà, sinh viên Đại học Công nghiệp cho biết.

Đồng quan điểm, bạn Nguyễn Phú Lâm (20 tuổi) cho rằng: “Khi còn học cấp 2, mình cũng hay dùng các ký tự để nhắn tin nhưng nó dễ hiểu hơn so với chữ tiếng Việt cải cách này. Chữ này tiếng Anh cũng không phải, tiếng Việt lại càng không, không hiểu tiếng gì ”.

Phóng viên đã cho các bạn trẻ thử dịch một đoạn văn bản viết bằng chữ tiếng Việt cải cách, hầu hết các bạn đều khá khó khăn để có thể dịch được những chữ này. Ngay cả đối với những bạn đang trong độ tuổi teen cũng cho biết, rất khó để chấp nhận chữ tiếng Việt cải cách như vậy. Theo Đăng Quỳnh Chi (học sinh lớp 9), dù thường ngày các em cũng có sử dụng các ký tự để giao tiếp với bạn bè cũng trang lứa, nhưng so với ngôn ngữ tiếng Việt mà các em được học hiện tại thì chữ tiếng Việt cải cách này có phần “khó nhìn, khó hiểu nên sẽ rất khó để tiếp thu”.

Phải mất 5 năm để học chữ tiếng Việt cải cách

Theo nhiều bạn trẻ, nếu đề xuất này có được áp dụng thì cũng phải mất một thời gian rất lâu để có thể học được, bởi lẽ ngôn ngữ tiếng Việt hiện tại đã ăn sâu vào từng người rồi, không dễ để thay đổi trong ngày một ngày hai.

“Chữ mà chúng ta vẫn dùng bây giờ, mình thấy quen thuộc và dễ học hơn. Bây giờ mà dùng chữ mới này thì phải học lại từ đầu, như thế cũng phải mất 4-5 năm”, bạn Trịnh Thị Ngọc Ánh (19 tuổi) chia sẻ.

Bạn Lê Văn Trường (sinh viên Đại học Sư phạm ) thì cho rằng nếu áp dụng thì phải từ các bé mầm non, tiểu học, khi các em bắt đầu học chữ thì mới có thể tiếp thu được chữ tiếng Việt mới. Còn đối với những lứa tuổi đã qua 15 thì việc học lại từ đầu quả thực là khó.  

PGS.TS Bùi Hiền đề xuất thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm "nhờ" (nh) chưa có ký tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng kí tự ghép n’ để biểu đạt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn