MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công viên Thống Nhất. Ảnh: PV.

Khi nào công viên Thống Nhất ở Hà Nội mới phá bỏ hàng rào, dừng thu phí?

HỮU CHÁNH - TRẦN TUẤN LDO | 01/05/2022 10:09

Hà Nội - Nhiều kiến trúc sư đề xuất thay đổi cách quản lý, ủng hộ chủ trương xây dựng công viên Thống Nhất ở Hà Nội theo hướng mở, không thu vé,... 

Ngày 28.4, Báo Lao Động đăng tải bài viết: Nghịch lý thu phí "quần dài", miễn phí "quần đùi" ở công viên Thống Nhất phản ánh tình trạng, hầu hết người đi tập thể dục, mặc quần áo thể thao vào công viên không phải trả tiền. Trong khi những người ăn mặc chỉn chu đều phải trả tiền vào cửa. Tình trạng này gây bức xúc cho nhiều người dân.

Thực tế, theo Kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP.Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, công viên Thống Nhất là 1 trong 3 công viên được cải tạo cấp độ 1. Đặc biệt, UBND Hà Nội định hướng nâng cấp công viên chuyển từ “công viên đóng” sang “công viên mở”, không còn hàng rào và mở cả về quản lý, cơ chế... Tuy vậy đến nay, việc nâng cấp chưa được thực hiện.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, việc TP.Hà Nội nâng cấp công viên Thống Nhất từ “công viên đóng” sang “công viên mở” là hết sức cần thiết. Trên thế giới, việc xây dựng công viên mở được thực hiện từ lâu. Việt Nam có nhiều công viên mở ở Đà Nẵng, TPHCM,... cũng đã áp dụng mô hình này.

Công viên Thống Nhất hiện vẫn đang thu vé vào cổng. Ảnh: PV. 

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh nhận định, công viên cần được đầu tư xây dựng khu vui chơi cho trẻ em, trồng cây và nâng cấp hạ tầng. Việc cải tạo phải lấy con người làm trung tâm, trẻ con là ưu tiên thì nơi đây mới lấy lại được hình ảnh đẹp đẽ vốn có, đúng với lịch sử hình thành và phát triển.

"Cần cải tạo công viên theo hướng mở phải đồng thời đi kèm mô hình quản lý hiệu quả hơn. Việc cải tạo và vận hành cần được giám sát chặt chẽ, được duy tu sửa chữa thường xuyên", ông Ánh nói.

Ông Ánh đánh giá mô hình quản lý công viên, vườn hoa trong các khu đô thị lớn ở Việt Nam hiện rất tốt, cơ quan quản lý thành phố nên học hỏi khi chuyển đổi công viên Thống Nhất theo hướng mở.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh nêu ví dụ điển hình ở Ecopark, dù có diện tích hàng hàng trăm ha, tuy nhiên chỉ cần một số bảo đi xe đạp để quan sát, theo dõi, nhắc nhở mà công viên vẫn luôn sạch đẹp, an toàn cho mọi người.

Hướng công viên Thống Nhất thành công viên mở. Ảnh: PV. 

Cùng quan điểm, TS- Kiến trúc sư Đặng Việt Dũng, giảng viên bộ môn Kiến trúc cảnh quan (Đại học Xây dựng Hà Nội) cho biết - việc cải tạo công viên Thống Nhất là cần thiết để làm sống lại nơi này, bởi nhiều gia đình muốn có không gian để tận hưởng hoạt động vui chơi và nghỉ ngơi vào cuối tuần nhằm tái tạo sức lao động sau một tuần làm việc.

"Thực tế, nhiều người phải ra tận bãi sông Hồng hay một số địa điểm ngoại ô để thực hiện các hoạt động này. Trong khi đó, ngay giữa trung tâm thành phố, chúng ta có một công viên đủ lớn để tạo ra không gian đáp ứng những nhu cầu ấy”, kiến trúc sư Dũng nói.

Ông Trần Anh Tú - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất - cho biết: Công viên trực thuộc UBND thành phố quản lý, đã đưa vào kế hoạch nâng cấp ở mức độ 1. Về việc xây dựng Công viên Thống Nhất theo hướng mở, hiện nay Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành thành phố được giao nghiên cứu triển khai và làm chủ đầu tư. Sau này khi được thực hiện xong công ty mới tiếp nhận và khai thác.

"Chúng tôi ủng hộ phương án xây dựng mở và không thu vé người dân vào công viên, hàng rào nên dỡ bỏ, mở không gian để mọi người dễ tiếp cận", ông Tú chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Tú cho rằng khái niệm "công viên mở" cần được hiểu theo nghĩa rộng. Để vào công viên thì người dân vẫn phải tiếp cận lối cổng và các vị trí đường giao thông nội bộ của công viên chứ không thể giẫm đạp lên các thảm cỏ, qua vườn hoa. Khái niệm công viên mở có thể là mở về không gian, còn với hàng rào có thể hạ thấp xuống để tăng không gian rộng thoáng cho công viên.

Công viên Thống Nhất được khánh thành năm 1961 với diện tích hơn 50 ha. Đây là công viên lớn nhất Hà Nội nằm giữa bốn phố Trần Nhân Tông, Lê Duẩn, Đại Cồ Việt và Nguyễn Đình Chiểu.

Công viên Thống Nhất do Công ty TNHH một thành viên công viên Thống Nhất quản lý, hiện có 1 chủ tịch Hội đồng thành viên, 1 tổng giám đốc; hai phó tổng giám đốc; 1 kiểm soát viên; 4 phòng chức năng chuyên môn và 3 xí nghiệp. Tổng số lao động của công ty là 234.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn