MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khánh Hoà đã hơn 34 ngày không xuất hiện thêm bệnh nhân nhiễm CVOD-19

Khi nào Khánh Hoà, Thanh Hoá, Vĩnh Phúc được công bố hết dịch COVID-19

Minh Bằng LDO | 21/02/2020 06:18
Tính đến 21.2, tại Khánh Hoà đã quá 34 ngày, tỉnh Thanh Hoá quá 27 ngày không xuất hiện bệnh nhân mới trong khi Vĩnh Phúc cũng đã có 11 ngày liên tiếp không có thêm ca dương tính với COVID-19. Vậy điều kiện để các địa phương này công bố hết dịch là gì?

Không có ca nhiễm mới

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thì tỉnh Khánh Hoà đã và đang triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, nên Bộ Y tế là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo tỉnh Khánh Hoà hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ Y tế ký quyết định công bố tỉnh hết dịch.

Trong khi đó, Thanh Hoá và Vĩnh Phúc cũng đã và đang triển khai các biện pháp phòng chống dịch đảm bảo theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các cơ quan thành viên của Ban Chỉ đạo.

Quyết định 173/QĐ-TTg do Thủ tướng ký ngày 1.2.2020 đã xác định thời gian xảy ra dịch COVID-19 là từ ngày 23.1.2020 (thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc ca bệnh viêm đường hô cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra). Địa điểm và quy mô xảy ra dịch: Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa.

Tính đến 21.2, tại Khánh Hoà đã quá 34 ngày, tỉnh Thanh Hoá quá 27 ngày không xuất hiện bệnh nhân mới trong khi Vĩnh Phúc cũng đã có 11 ngày liên tiếp không có thêm ca dương tính với COVID-19.

Tại TP.Hồ Chí Minh tính đến 18.2, không còn ca nhiễm COVID-19 nào.

Điều kiện công bố hết dịch là gì?

Về điều kiện công bố hết dịch, Khoản 1 Điều 40 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định:

“1. Điều kiện để công bố hết dịch bao gồm:

a) Không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định và đáp ứng các điều kiện khác đối với từng bệnh dịch theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;

b) Đã thực hiện các biện pháp chống dịch quy định tại Mục 3 Chương IV của Luật này”.

Về điều kiện ở điểm b, các địa phương trên đã thực hiện các biện pháp như

Đã thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định như: Thành lập Ban chỉ đạo chống dịch; Khai báo, báo cáo dịch; Tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh; Tổ chức cách ly y tế; Vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch; Các biện pháp bảo vệ cá nhân; Các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch; Kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A,...

Đối với điểm a, theo Quyết định 02/2016/QĐ-TTg thì chưa quy định thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới của dịch COVID-19 mà chỉ  có bệnh hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút Corona (MERS-CoV) thì thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới là 28 ngày.

Ai có thẩm quyền công bố hết dịch?

Quyết định 02/2016/QĐ-TTg cũng quy định điều kiện, trình tự công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm bao gồm:

Đáp ứng điều kiện quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 40 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, việc công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm phải đáp ứng điều kiện: Không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định cho từng bệnh.

Sau khoảng thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới theo quy định và đã thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định, Sở Y tế báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét quyết định công bố hết dịch đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

Sau khi đã đủ các điều kiện trên thì Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định:

Công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A khi nhận được đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nơi xảy ra dịch.

Xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối với trường hợp dịch mà Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch.

Đối với trường hợp cụ thể là COVID-19 thì theo khoản 2 Điều 40 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, được hướng dẫn chi tiết bởi Điều 5 Quyết định 02/2016/QĐ-TTg thì Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền công bố hết dịch COVID-19 tại Khánh Hoà, Thanh Hoá, Vĩnh Phúc (vì dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ công bố tại Quyết định 173/QĐ-TTg).

Với TP.Hồ Chí Minh không có tên trong quyết định 173 thì khi đủ các điều kiện, Bộ trưởng Bộ Y tế có thẩm quyền công bố hết dịch sau khi nhận được đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh.

Khi có quyết định công bố hết dịch thì các hoạt động kinh tế - xã hội sẽ diễn ra bình thường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn