MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khi những người thầy phải quỳ

MINH BẰNG LDO | 08/03/2018 10:04

Câu chuyện cô giáo phải quỳ trước phụ huynh ở Long An khiến tôi nhớ lại câu chuyện đau lòng, cũng liên quan đến những người mà chúng ta hay gọi là thầy, đó là thầy thuốc.

Tháng 6.2017, ở Hà Nội, một bác sĩ đã bị bố bệnh nhân hành hung, bắt quỳ xuống đất xin lỗi. Lý do, bác sĩ khám cho bệnh nhân nhỏ tuổi và kết luận là chỉ bị thương phần mềm rồi cho về điều trị trong khi bác sĩ khác chẩn đoán rạn xương (chẩn đoán đúng), sau đó chuyển lên BV Nhi Trung ương.

Hai câu chuyện có quá nhiều điểm chung nhưng nổi bật vẫn là câu hỏi: “Chuyện gì đang xảy ra? Các giá trị đạo đức đang ở đâu? Ai sẽ là những người chịu trách nhiệm?”.

Bởi vì, nó không chỉ là những câu chuyện riêng lẻ. Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2, báo chí thống kê số lượng thầy thuốc bị hành hung tăng 300% đến mức lãnh đạo ngành y tế còn đề xuất cần trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ bệnh viện. Còn sau khi câu chuyện cô giáo quỳ ở Long An, thì ngày hôm qua, ngày 7.3, tức là trước khi kỷ niệm tôn vinh giới nữ đúng 1 ngày, lãnh đạo Phòng GDĐT huyện Châu Thành (Bến Tre) xác nhận, Phòng đang phối hợp với công an huyện xác minh làm rõ vụ một nữ giáo viên dạy tiếng Anh của Trường THCS Tân Thạch (xã Tân Thạch, huyện Châu Thành) bị nam sinh lớp 8 bóp cổ tại lớp học.

Còn bao nhiêu thầy thuốc bị đánh, bị bắt quỳ? Còn bao nhiêu cô giáo bị bóp cổ và cũng phải quỳ? Vấn đề ở đây không phải là thương cảm mà là làm thế nào để những hình ảnh đi ngược với truyền thống, đạo lý không diễn ra?

Trong xã hội Việt Nam, có 3 giới được trân trọng gọi là thầy: Thầy giáo, thầy thuốc, thầy tu. Trong đó, thầy giáo thì rèn đúc nên tâm hồn, thầy thuốc thì chăm sóc, cứu chữa mình để mình được tiếp tục sống...

Để những người thầy đứng thẳng, đàng hoàng làm thầy, điều cần thiết là đảm bảo một môi trường lành mạnh, văn minh. Ở đó người thầy phải là thầy mà không bị tác động, đe dọa bởi điều gì. Ở đó học trò hay bệnh nhân có niềm tin tuyệt đối chứ không phải nỗi e sợ. Ở đó các phụ huynh tin tưởng gửi gắm tương lai và sinh mệnh con em họ chứ không phải canh cánh nỗi lo xin xỏ, chạy chọt.

Nếu không có những thay đổi mang tính cách mạng trong lĩnh vực giáo dục, y tế, sẽ có thêm những đầu gối phải quỳ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn