MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khi nỗi đau vượt ra khỏi giới hạn chịu đựng

Hiền Hương LDO | 14/09/2023 10:52

Trong số 56 nạn nhân tử vong trong vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ, có 7 nạn nhân trong cùng một gia đình. Họ là 7 người thân của một đồng nghiệp – hiện đang công tác tại báo Lao Động cùng chúng tôi.

Vợ chồng chị H – đồng nghiệp của chúng tôi đã có một ngày dài hơn mọi ngày, với hy vọng cho dù chỉ còn một cơ hội nhỏ nhoi, đi khắp các bệnh viện tìm người thân sống sót, nhưng cuối cùng nỗi đau liên tiếp chồng nỗi đau, khi phải nhận diện thi thể 7 thân nhân mất trong vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) rạng sáng 13.9.

Bố mẹ chồng chị H sống tại căn hộ 804 (tầng 8), trong khi gia đình em gái chồng gồm 5 người (2 người lớn, 3 trẻ nhỏ) thuê phòng 602 (tầng 6) để gần ông bà ngoại.

Thảm kịch xảy đến quá nhanh, trong vòng khoảng 2 giờ đồng hồ, đã mang đến nỗi đau quá lớn, vượt ra khỏi mọi giới hạn con người có thể chịu đựng.

13.9 sẽ là ngày rất dài với thân nhân các nạn nhân, họ phải đi khắp các bệnh viện, nhà xác – vừa tìm kiếm, vừa nhận dạng những thi thể.

Vợ chồng chị H – đồng nghiệp của chúng tôi đã nhận ra em rể và cậu con trai thứ của gia đình 5 người - không khó khăn bằng những người thân khác. Trong phút sinh tử, em rể của họ đã ôm con trai 7 tuổi nhảy xuống từ tầng 6. Hai bố con tử vong do chấn thương.

Nhiều thi thể đã cháy đen, biến dạng. Chị H và chồng lần lượt nhận dạng 7 thi thể gồm bố mẹ, vợ chồng em gái, và 3 cháu trai (cháu trai cả 14 tuổi, cháu thứ hai 7 tuổi, cháu trai út 6 tuổi).

Đến 17h chiều, vợ chồng chị H nhận được tin, thi thể của em gái có sự nhầm lẫn. Họ lại tiếp tục đi tìm, đến 21h đêm, chị H và chồng đang chờ đợi kết quả giám định ADN để xem thi thể mới tìm thấy có phải là em gái của mình không.

Có nhiều gia đình khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự, khi nhiều thành viên trong cùng một nhà đều tử vong.

Sẽ có loạt câu hỏi đặt ra khi thảm kịch xảy đến. Ai sẽ chịu trách nhiệm? Tại sao tòa chung cư mini xây dựng với nhiều sai phạm vẫn có thể tồn tại suốt nhiều năm để bán và cho thuê? Còn bao nhiêu tòa chung cư mini không đủ an toàn như thế này đã được cấp phép xây dựng ở Hà Nội, và nhiều thành phố khác?

Và ở Hà Nội, còn rất nhiều những khu trọ chằng chịt dây điện rất đông đúc sinh viên, người lao động nghèo sinh sống, số phận họ ra sao?

Thường, cơ quan chức năng sẽ không mấy bận tâm, cho đến khi thảm kịch xảy đến.

Thảm kịch xảy đến là sự cộng hưởng từ những thái độ làm việc và con người tắc trách, vô tâm, vô cảm và có thể còn là sự tham lam, bất chấp an toàn của người dân.

Thảm kịch xảy đến thường nhanh gọn, vào thời điểm không ai ngờ tới, nhưng hậu quả để lại kéo dài vĩnh viễn trong nhiều cuộc đời.

Thảm kịch hỏa hoạn ở Khương Hạ cướp đi 56 sinh mạng và để lại cho gia đình, người thân của họ chồng chất đau đớn, mất mát và ám ảnh.

Đến 22h đêm 13.9, sau khi đã nhận dạng thi thể mẹ, anh L.N.H – chồng chị H, vẫn ngồi bấm số điện thoại gọi cho mẹ, đầu bên kia chỉ có tiếng đổ chuông.

Kể cả chuông điện thoại của em gái cũng vẫn đổ. Có lẽ, điện thoại của họ còn đang mắc kẹt đâu đó trong căn phòng cháy dở.

Anh L.N.H vẫn muốn nghe tiếng chuông điện thoại đổ, dù bố mẹ, em gái anh sẽ không bao giờ có thể nghe được nữa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn