MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm (Phó Hiệu trưởng trường Cao Đẳng Cần Thơ) giới thiệu mô hình Quản lý môi trường ao nuôi tôm thông minh bảo vệ môi trường sinh thái. Ảnh: Phong Linh

Khi nông dân cũng tham gia “chuyển đổi số”

PHONG LINH LDO | 04/07/2022 09:30

Thời gian qua, với việc quan tâm, xây dựng ngành nông nghiệp, đặc biệt là việc thúc đẩy chuyển đổi số của các cấp lãnh đạo, nhà nghiên cứu và người làm nông. Từng bước đã xuất hiện những mô hình, ý tưởng mới lạ, mang lại hiệu quả bước đầu...

Tốt nghiệp ngành Luật Trường Đại học Cần Thơ nhưng lại nặng tình với nghề nông, anh Nguyễn Văn Đua (43 tuổi, Hậu Giang) là một trong những nông dân miền Tây thành công trong công tác thúc đẩy chuyển đổi số tại trang trại dê của nhà mình.

Thất bại từ mô hình nuôi dê lấy thịt, ông chuyển sang thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản và lấy sữa, sáng tạo 4 sản phẩm độc đáo từ sữa dê, chủ động thiết kế trang web cho trang trại để tăng cường quảng bá hình ảnh.

Anh Đua cũng cho biết, anh sẽ tiếp tục tìm tòi học hỏi, đẩy mạnh công tác truyền thông bằng công nghệ hiện đại để sản xuất kinh doanh ổn định.

Với hơn 10 năm kinh nghiệm trồng sầu riêng, anh Huỳnh Tuấn Kiệt (28 tuổi, Cần Thơ) đã lên kế hoạch ứng dụng công nghệ số để hiện thực hóa ý tưởng kết hợp du lịch gắn với tiêu thụ trực tiếp tại vườn.

Cùng với đó, anh cũng dự kiến đẩy mạnh sản phẩm tiêu thụ bằng cách bán sầu riêng theo cây trực tuyến cho những khách hàng ở xa.

Anh Kiệt sẽ dán tên các khách hàng lên cây sở hữu của họ, thực hiện chăm sóc cây để cây ra trái theo yêu cầu khách nhằm ổn định giá cho từng phân khúc.

Bên cạnh những hướng đi riêng của nhà nông, các nhà nghiên cứu cũng đã có những mô hình nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp. Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm - Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cần Thơ - với mô hình Quản lý môi trường ao nuôi tôm thông minh bảo vệ môi trường sinh thái đã định vị được lợi ích tối ưu của công tác này. Mô hình giúp quản lý các chỉ tiêu của môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, độ đục trong của nước, độ pH, độ mặn, nồng độ ôxy…

“Bằng công nghệ không dây, mô hình sẽ giúp giảm bớt chi phí lao động rất nhiều. Chỉ cần một người sử dụng điện thoại thông minh có thể nhận biết các biến động rủi ro quanh ao tôm và xử lý kịp thời, hiệu quả. Bằng việc áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, việc quản lý ao nuôi sẽ chất lượng hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn” - Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm cho biết.

Theo UBND TP.Cần Thơ, hiện tại, lãnh đạo thành phố đang đẩy mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tìm ra giải pháp phát triển tương xứng với tiềm năng.

Sở NNPTNT thành phố cũng đã có tham luận về tiềm năng và cơ hội chuyển đổi số của Cần Thơ trong công cuộc phát triển nông nghiệp địa phương và toàn vùng. Một số đơn vị nghiên cứu khoa học, công nghệ cũng đã xây dựng nền tảng công nghệ, sáng tạo các mô hình mới giúp nâng cao hiệu quả như mô hình Hệ thống giám sát môi trường trên nền tác tử (AEMS - Agent based Environment Monitoring System) của Trường Đại học Cần Thơ; Nền tảng nông nghiệp thông minh mobiAgri và IoT mFarm của MobiFone khu vực ĐBSCL; Ứng dụng EDEM của Thinksmart Cần Thơ...

“Phát triển nông nghiệp, nông thôn là một trong những bước đi cần thiết, trong đó chuyển đổi số, là một trong những xu hướng tất yếu, là chìa khóa để ngành nông nghiệp và nông thôn phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, dịch bệnh và nhất là sự bùng nổ của cuộc công nghiệp cách mạng lần thứ 4.

Với định hướng là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của vùng ĐBSCL, thành phố Cần Thơ đang chuẩn bị từng bước và đã có những tiềm lực về khoa học, công nghệ đào tạo phục vụ chuyển đổi số nông nghiệp” - ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn