MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phóng viên Văn Thành Chương - trên đảo Tốc Tan.

Khi “phóng viên miền núi” ra đảo

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 13/08/2022 07:14

Là một phóng viên có trên 15 năm công tác ở miền núi, khi nghe tin mình được ra đảo Trường Sa tác nghiệp, tôi vô cùng hồi hộp và có một cảm giác rất khó diễn đạt thành lời. Không phải vì lần đầu tiên được ra đảo mà hơn thế là được đến với một phần máu thịt của Tổ quốc thiêng liêng.

Đợi chờ là hạnh phúc…

Kể từ khi biết có tên trong danh sách ra đảo Trưởng Sa, chúng tôi – những phóng viên miền núi đã mong ngóng từng ngày. Nhiều năm gắn bó với các cung đường Tây Bắc, với nhà sàn với núi đồi và rừng già, giờ đây sắp được ra biển lớn, được ngắm mặt trời mọc trên đường chân trời, được thả hồn theo những cánh hải âu vờn trên ngọn sóng… Mới chỉ nghĩ đến đó mà chúng tôi nhiều đêm thao thức.

Rồi ngày hẹn đã đến, chúng tôi có mặt tại sân bay Cam Ranh rồi bắt xe về thẳng Vùng 4 Hải Quân. Thế nhưng thông tin đầu tiên khiến chúng tôi vô cùng lo lắng là đang “biển động” do ảnh hưởng của cơn bão nên tàu chưa thể xuất phát.

Lại phải chờ, cái cảm giác chờ đợi, 1 ngày, 2 ngày rồi 3 ngày… khiến cho chúng tôi vô cùng sốt ruột và chỉ mong từng phút, từng giờ sớm có thông báo mới để được ra với đảo xa.

Trong những ngày chờ đợi và không có một mốc thời gian cụ thể, chúng tôi được bố trí ăn nghỉ tại Lữ đoàn Hải Quân đánh bộ (Lữ đoàn 101) nằm bên bờ biểm Cam Lâm thơ mộng. Gần chục ngày sống trong môi trường lính cũng đã đem lại cho chúng tôi rất nhiều trải nghiệm mới mẻ.  

Tất cả đều rất thân thiện, hiền hòa và tiếp đóng chúng tôi như những chiến sĩ mới được quan tâm chu đáo.

Và cái ngày mong đợi nhất cũng đã đến. Con tàu HQ-561 rời Quân cảng Cam Ranh trong một buổi chiều trời mây vẫn còn vẫn vũ. Những hồi còi tàu vang lên chào đất liền! Chúng tôi ra đảo!

Biển mênh mông nhường nào

Suốt hải trình từ đất liền đi qua 14 đảo và điểm đảo, những chú chim hải âu luôn đồng hành cùng chúng tôi. Một thủy thủ cho biết, theo kinh nghiệm thì những chú hải âu này đã đi theo đoàn tàu nào thì nó sẽ đi theo hết hải trình, chúng đi để săn mồi – đó là những con cá chuồn bay lên khỏi mặt nước mỗi khi tàu đến. Có những chú cá chuồn bay xa hàng trăm mét trên ngọn sóng...

Thỉnh thoảng đoàn chúng tôi cũng được những đàn cá heo chào đón với những màn nhào lộn cực kỳ vui mắt. Chúng luôn đi trước mũi tàu như làm nhiệm vụ dẫn đường, đội hình luôn thay đổi như những “trận pháp” được người chỉ huy điều khiển trong chiến đấu… 

Trong hải trình gần 2 tuần tại 14 điểm đảo đã đem lại cho chúng tôi rất nhiều kiến thức và những trải nghiệm vô cùng ấn tượng. Có thể nói nó vượt ra ngoài sách vở, vượt qua những ngọn núi cao của miền Tây Bắc - nơi chúng tôi gắn bó.

Sau chuyến đi, chúng tôi càng thêm trân trọng sự hi sinh thầm lặng và lớn lao của những người lính hải quân. Họ  vượt muôn vàn khó khăn, khắc nghiệt, nơi đầu sóng ngọn gió làm tròn nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc thiêng liêng.

Trở về với rừng núi, chúng tôi lại mong có một cơ hội nữa được trở lại Trường Sa!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn