MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau lũ quét, người dân chia sẻ cho nhau ít gạo để vượt qua khó khăn. Ảnh: Thanh Chung

Khiêng người bệnh đi hàng chục cây số cấp cứu trong đêm ở vùng lũ quét

Thanh Chung LDO | 20/09/2020 21:39
Do ảnh hưởng của lũ quét, đường bị sạt lở không thể đi xe được nên nhiều người đã dùng võng khiêng bệnh nhân hàng chục cây số để cấp cứu. Ngoài ra, ở những vùng lũ quét bị cuốn trôi nhiều lương thực nên họ chia sẻ từng nắm gạo để tồn tại.

Chiều 20.9, ông Nguyễn Huy Thông, Giám đốc Trung tâm y tế (TTYT) huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) cho biết, đơn vị đã tiếp nhận 1 bệnh nhân bị viêm đại tràng co thắt.

Cụ thể, vào khoảng 2h30 sáng cùng ngày (20.9), chị Cơlâu Thị Nhút (18 tuổi, trú xã Tr'Hy, H.Tây Giang) được đưa đến TTYT huyện Tây Giang cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội kèm theo sốt không rõ nguyên nhân. Sau khi truyền dịch, xét nghiệm máu và siêu âm để xác định chị Cơlâu Thị Nhút bị viêm đại tràng co thắt.

Được biết, đoạn đường từ xã Tr'Hy xuống TTYT huyện Tây Giang hơn 22 km, do đường bị sạt lở, ách tắc vì ảnh hưởng của mưa lũ nên không thể di chuyển bằng xe máy, vì vậy nhiều người đã dùng võng khiêng bệnh nhân Nhút đưa đi cấp cứu.

Hiện sức khỏe bệnh nhân đã dần ổn định, tiếp tục được theo dõi, điều trị.

Không nhưng vậy những ngày qua do lũ quét gây sạt lở khiến nhiều nơi bị cô lập và cuốn trôi lương thực nên cuộc sống người dân bị khó khăn.

Anh Plong A Trạch (27 tuổi, ở làng Tà Vàng), nhớ lại đây là một trận lũ lịch sử mà lần đầu người dân chứng kiến. Nước lên nhanh khiến người dân trở tay không kịp. Nhiều gia đình không kịp dọn đồ đạt lên cao nên bị lũ cuốn trôi. “Lũ đi qua để lại những bừa bộn và cuộc sống người dân ai cũng khó khăn cả. Nhà mình còn một ít gạo cũng vừa đem chia cho 3 hộ gia đình khó khăn nhất trong làng mỗi hộ 5 lon, để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này”- anh Trạch chia sẻ.

Ông Lê Hoàng Linh- Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho hay, đây là trận lũ quét lớn nhất trong lịch sử H.Tây Giang gây thiệt hại nặng nề. Đối với 4 xã vùng cao đang bị ách tắc giao thông chưa thông tuyến được thì phương án của huyện là đảm lương thực tại chỗ với phương châm là sẵn sàng chi viện trong tình trạng thiếu lương thực, không để cho người dân thiếu lương thực do hậu quả của mưa bão, lũ quét.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn