MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một hồ đập ở Đắk Nông cạn khô. Ảnh: Phan Tuấn

Khô hạn bao trùm ở Tây Nguyên

Nhóm phóng viên LDO | 17/04/2024 09:25

Hiện nay, thời tiết hanh khô, nắng nóng kéo dài đang bao trùm lên nhiều địa phương ở các tỉnh thành Tây Nguyên. Do đó, mực nước ở các ao, hồ, sông, suối... đang dần cạn kiệt, trơ đáy. Khô hạn diễn ra khốc liệt, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Khốn khổ vì thiếu nước

Hiện nay, tình trạng khô hạn, người dân thiếu nước tưới cho cây trồng và sinh hoạt đang bao trùm lên nhiều địa phương ở các tỉnh Tây Nguyên.

Gia đình ông Đặng Ngọc Luân - ở huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông - có 1,7ha cà phê. Năm nay mùa mưa kết thúc sớm, nên mới vào đầu tháng 3, mực nước hồ ở gần vườn rẫy của gia đình đã cạn kiệt. Khi chưa kịp tưới xong đợt 2 cho cà phê thì đã xảy ra tình trạng thiếu nước.

"Giờ tôi chỉ biết cầu trời mưa sớm để hy vọng cứu vãn diện tích cà phê đang có dấu hiệu khô héo" - ông Luân buồn phiền.

Tương tự, ông Trần Thành Vinh, ở huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk cũng ngán ngẩm vì tình trạng thiếu nước sản xuất.

“Địa bàn nhiều tháng nay không có một hạt mưa nào. Ao, hồ ở gần nhà tôi đều đã trơ đáy. Hiện nay, gia đình có hơn 1 hécta đất trồng cây lâu năm đang thiếu nước tưới nghiêm trọng. Tôi đã bỏ ra tới 10 triệu đồng để nhờ người thăm dò, khoan giếng nước ngầm nhưng không thành công. Nếu tình trạng khô hạn kéo dài rất có thể gia đình còn thiếu nước sạch để dùng chứ không riêng gì cây trồng” - ông Vinh than phiền.

Còn chị Trần Thị Tình, một người dân khác ở xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, Gia Lai như đang ngồi trên "đống lửa" vì thiếu nước sản xuất.

"Năm nay, cà phê được giá, nông dân chưa kịp phấn khởi vui mừng thì hạn hán xuất hiện. Tình trạng nắng nóng kéo dài khiến hơn 10 hécta cà phê của gia đình héo lá, nhiều cây chết khô rụi" - chị Tình buồn phiền.

Cũng liên quan đến vấn đề này, anh Ksor Tin - ở xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai - cho biết: “Nhiều ngày qua, người dân thôn Đức Hưng phải lái xe công nông đi xa 3 - 4km để xin nước về dùng. Riêng nước uống, nấu ăn thì phải đi quán mua nước bình về dùng rất tốn kém”.

Một hồ đập ở Đắk Nông cạn kiệt nguồn nước. Ảnh: Phan Tuấn

Nhiều diện tích cây trồng bị ảnh hưởng khô hạn

Hơn 1 tháng nay, tình hình khô hạn đang diễn ra khốc liệt ở trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho thấy, toàn tỉnh có 307 công trình thủy lợi. Trong đó, có 255 hồ chứa, 32 đập dâng, 8 hệ thống kênh tiêu, 10 hệ thống trạm bơm và 2 công trình thủy lợi khác.

Tổng dung tích thiết kế của các công trình thủy lợi vào khoảng 172 triệu m3 nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tổng dung tích nước tại các hồ, đập còn lại khoảng 80,67 triệu/m3 nước, ước đạt khoảng 50,96% dung tích thiết kế (so với cùng kỳ năm 2023 giảm 18,61 %). Điều đáng nói là đã có 27 công trình thủy lợi đã hết nước hoặc sắp cạn kiệt nguồn nước.

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, đối với diện tích nằm trong phạm vi phục vụ công trình thủy lợi, đến nay, nguồn nước cơ bản phục vụ sản xuất mùa khô năm 2024. Đáng lo ngại nhất là diện tích cây trồng nằm ngoài phạm vi phục vụ công trình thủy lợi. Nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài, không có mưa thì sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước tưới cục bộ tại một số địa phương. Đặc biệt, là ở các huyện thuộc khu vực phía Bắc của tỉnh như: Cư Jút, Krông Nô, Đắk Mil.

Dự báo tình trạng hạn hán, thiếu nước sẽ xảy ra và ảnh hưởng cho khoảng 8.180 hécta cây trồng các loại. Cụ thể, ở huyện Đắk Mil Khoảng 1.670 hécta; huyện Krông Nô khoảng 4.510 hécta; huyện Cư Jút khoảng 2.000 hécta...

Tương tự, tình trạng hạn hán đang diễn ra gay gắt ở một số xã thuộc khu vực biên giới của huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Tại đây, người dân chật vật tìm kiếm nguồn nước và đối phó với hạn hán. Qua thống kê, tổng diện tích bị thiếu nước gây thiệt hại cây trồng cho hơn 58,4 hécta tại xã Ia Lang, Ia Dom, Ia Krêl.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Đức Cơ cũng có nhiều công trình giếng khoan tại thôn Đức Hưng, xã Ia Nan đã bị cạn nước. Chỉ riêng tại xã Ia Nan, có gần 2.000 nhân khẩu bị thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình hạn hán, thiếu nước tưới trên địa bàn gây thiệt hại khoảng 4,9 tỉ đồng. Tại các huyện Phú Thiện, huyện Krông Pa, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai, hàng trăm hécta hoa màu như lúa, khoai, ngô… của nông dân bị hạn hán, thiếu nước cục bộ khiến nên bị hư hỏng, chết khô. Nặng nhất là huyện Phú Thiện, khi có hơn 88 hécta lúa, khoai lang và bắp bị khô hạn.

Tại Đắk Lắk, theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh hầu như không mưa. Lượng mưa toàn tỉnh trung bình đến nay đạt 21,3mm, bằng 1,2% so với trung bình các năm trước.

Mực nước trên các sông của tỉnh phổ biến ở mức thấp, lượng dòng chảy thấp hơn trung bình cùng kỳ những năm trước từ 20 - 40%. Riêng sông Krông Ana tại trạm thủy văn Giang Sơn thấp hơn từ 160 - 190% so với các năm trước. Tình trạng khô hạn kéo dài xảy ra tại nhiều nơi. Trong đó, huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Lắk… là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, từ nay đến cuối vụ gieo trồng, dự báo tổng lượng mưa có thể thiếu hụt so với trung bình các năm trước.

Khả năng xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước cục bộ tại một số các công trình hồ chứa nhỏ, các công trình đập dâng và vùng ngoài công trình thủy lợi. Tổng diện tích cây trồng bị ảnh hưởng bởi khô hạn là từ 5.000 đến 8.000 hécta.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn