MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khó khăn bủa vây công tác giữ rừng ở Đắk Lắk

Phan Tuấn LDO | 03/04/2023 20:53

Hiện nay, người làm công tác giữ rừngĐắk Lắk gặp phải rất nhiều khó khăn như việc lâm tặc liều lĩnh, manh động, sẵn sàng chống người thi hành công vụ. Trong khi đó, chế độ đãi ngộ, lương bổng thấp và còn bị quy kết trách nhiệm nên rất nhiều người lao động đã bỏ việc, còn đơn vị chủ rừng thì tìm không ra nhân lực thay thế. 

Đoàn Công tác của Ban Kinh tế Trung ương kiểm tra thực tế công tác giữ rừng, phát triển rừng ở Đắk Lắk. Ảnh: Phan Tuấn

Lâm tặc manh động, liều lĩnh

Chiều 3.4, đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - làm trưởng đoàn đã khảo sát về công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông và Vườn Quốc gia Chư Yang Sin.

Báo cáo với Đoàn công tác, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông cho biết, tổng diện tích rừng và đất rừng được UBND tỉnh Đắk Lắk giao đơn vị quản lý, bảo vệ hơn 24.500ha.

Thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, đơn vị đã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết không xâm hại tài nguyên rừng. Mặt khác, đơn vị cũng tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng…

Ngoài diện tích rừng tự nhiên trong lâm phần được giao quản lý, bảo vệ thì Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông đã kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân cùng liên kết trồng rừng trên diện đất sản xuất nông nghiệp bị bạc màu của người dân.

Các địa phương trồng rừng nằm trên địa bàn các xã Hòa Phong, Cư Pui, Cư Đrăm, Yang Mao với diện tích trên 1.200ha. Hoạt động trồng rừng hàng năm đã giải quyết cho khoảng 10.000 ngày công lao động tại địa phương.

Tương tự, Vườn Quốc gia Chư Yang Sin đang quản lý hơn 59.484ha. Nhiệm vụ chính của đơn vị là bảo vệ mẫu chuẩn các hệ sinh thái rừng trên núi cao Tây Nguyên, bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã. Đặc biệt là các loài đặc hữu và quý hiếm…

Từ năm 2019 đến năm 2022, đơn vị đã tổ chức 8.137 đợt tuần tra, mật phục, kịp thời ngăn chặn nhiều vụ xâm hại tài nguyên rừng. Qua đó, đơn vị đã thu gỡ 280 bẫy thú các loại, 31 súng săn tự chế, không để xảy ra các điểm nóng về khai thác gỗ, săn bẫy bắt động vật hoang dã.

Theo lãnh đạo 2 đơn vị trên, điều kiện kinh tế các xã vùng đệm vẫn còn khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao, tình trạng dân di cư ngoài kế hoạch vào địa phương chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía Bắc vào gây áp lực không nhỏ tới tài nguyên rừng.

Hiện nay, các đối tượng vi phạm lâm luật ngày càng manh động, liều lĩnh sẵn sàng chống lại người thi hành nhiệm vụ. Nếu bị truy đuổi, các đối tượng vi phạm còn dùng súng tự chế bắn trọng thương nhân viên, cán bộ quản lý bảo vệ rừng.

Đến nay, công tác điều tra cũng như chế độ chính sách cho nhân viên, cán bộ quản lý bảo vệ rừng vẫn chưa được giải quyết. Điều này dẫn đến tâm lý lo lắng cho lực lượng tuần tra rừng.

Đáng lo ngại nhất là chế độ đãi ngộ, thu nhập của lực lượng giữ rừng rất thấp, không tương xứng với công sức đã bỏ ra. Bên cạnh đó, công việc thường ngày của lực lượng này thường xuyên đối mặt với nguy hiểm và bị quy kết trách nhiệm. Thế nên, tình trạng nhân viên, cán bộ quản lý bảo vệ rừng, kiểm lâm... xin từ chức, nghỉ việc gia tăng.

Hiện nay, một số chế độ chính sách liên quan vẫn chưa được giải quyết thấu đáo, gây bức xúc, tạo tâm lý không tốt, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng công tác.

Đoàn công tác khảo sát tại lâm phần của Vườn Quốc gia Chư Yang Sin. Ảnh: Phan Tuấn

Cần tính toán chuyển đổi mô hình quản lý rừng

Tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị cho biết, nguyên nhân mất rừng là do cán bộ quản lý. 

Thứ trưởng Trị yêu cầu lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cần đánh giá lại việc các công ty lâm nghiệp để mất rừng.

Các Ban Quản lý rừng, Vườn Quốc gia không để xảy ra tình trạng mất rừng, vậy vì sao công ty lâm nghiệp lại để ra mất rừng. Do đó, các doanh nghiệp quản lý rừng nhưng để mất rừng thì cần chuyển thành Ban quản lý rừng. 

Các công ty đáp ứng đủ điều kiện chuyển đổi thì cần báo cáo, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hướng dẫn. Đây là rừng Nhà nước nên giao cho Nhà nước quản lý sẽ dễ hơn, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho hay.

Qua giám sát thực tế, ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - ghi nhận những kết quả mà Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông và Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, huyện Krông Bông đã đạt được trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, ông Hưng đã đề nghị công ty nghiên cứu mở rộng hoạt động theo Luật Lâm nghiệp mới; tiếp tục quan tâm phát triển rừng gỗ lớn vừa nâng cao giá trị kinh tế cho người dân vừa bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần đem lại lợi ích lâu dài, phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn