MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quỹ đất, kinh phí và phong tục tập quán là những vấn đề khó trong công tác di dân ra khỏi vùng thiên tai tại thị xã vùng cao Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Bảo Nguyên

Khó khăn trong di dời người dân ở Lào Cai khỏi khu vực thiên tai

Bảo Nguyên LDO | 29/10/2023 08:18

Lào Cai - Khi di dời nhà ở, bà con vùng cao thường phải chọn tuổi, chọn ngày và kiêng kị nhiều vấn đề khác dẫn đến việc chuyển đến nơi mới trước mùa mưa bão gặp nhiều khó khăn.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Phàn Phủ Seng - Chủ tịch UBND xã Liên Minh, thị xã Sa Pa - cho biết, trận lũ ống ngày 12.9 vừa qua khiến 7 người trên địa bàn tử vong. Nhiều nhà dân cùng các trang trại nuôi cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm) bị lũ cuốn trôi, đến nay vẫn chưa thể khắc phục hậu quả.

Theo Chủ tịch UBND xã Liên Minh, sau mỗi đợt mưa lớn kéo dài lại phát sinh các hộ ở khu vực nguy hiểm cần di chuyển, dẫn đến khó chủ động trong công tác sắp xếp dân cư tránh nguy cơ sạt lở.

Chưa kể, một số hộ dân còn có tính chủ quan nên mặc dù, hộ gia đình nằm trong diện nguy cơ sạt lở, lũ quét nhưng chần chừ không di chuyển.

Từ đầu năm đến nay, Sa Pa đã phải hứng chịu nhiều trận lũ ống lũ quét gây thiệt hại là gần 300 tỉ đồng. Ảnh: Bảo Nguyên

Là địa phương hứng chịu nhiều trận lũ ống, lũ quét nhất từ đầu năm đến nay, ông Tô Ngọc Liễn, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa chia sẻ, Sa Pa gặp phải nhiều thách thức trong công tác phòng chống thiên tai cũng như việc di dân ra khỏi vùng thiên tai. Trong đó, quỹ đất và kinh phí là hai khó khăn lớn nhất.

Cụ thể như việc bố trí đất để nhân dân di chuyển gặp nhiều khó khăn do địa hình chia cắt phức tạp, đất có độ dốc lớn.

Nhiều hộ dân trong diện nguy hiểm nhưng không tự bố trí được đất hoặc địa điểm di chuyển đến không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, trong khi đó xã, phường không có quỹ đất để bố trí, dẫn đến người dân không thể thực hiện di chuyển được.

Sa Pa đang nỗ lực tìm phương án di dân ra khỏi vùng thiên tai. Ảnh: Bảo Nguyên

Ngoài ra, phong tục của đồng bào vùng cao xem tuổi dựng nhà và thường làm vào vụ nông nhàn nên gây nhiều khó khăn cho công tác vận động di chuyển. Đơn cử như năm 2022, tổng số hộ cần di chuyển là 43 nhưng chỉ có 22 hộ thực hiện…

“Bao đời nay, chúng tôi sinh sống theo từng cụm, toàn là anh em họ hàng nên nếu di dời đến nơi ở mới, bà con nguyện vọng được ở gần nhau. Tuy nhiên, chính quyền bảo đã hết quỹ đất, không thể bố trí cho các hộ dân tái định cư tại một điểm nên chúng tôi vẫn chờ”, ông Phàn Phú Chặt (một trong những hộ dân cần di dời khỏi khu vực có nguy cơ thiên tai) nói.

Để công tác phòng chống thiên tai và sắp xếp dân cư được hiệu quả, UBND thị xã Sa Pa đang bố trí thêm quỹ đất cho các hộ nằm trong khu vực sạt lở di dời. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thực hiện tốt nội dung luật phòng, chống thiên tai đến từng bản làng.

Nhiệm vụ trọng tâm là các xã, phường thường xuyên rà soát các hộ dân vùng nguy cơ sạt lở; sắp xếp ngay cho các hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở ra khỏi khu vực thiên tai.

"Chúng tôi cũng đã đề xuất UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống cảnh báo và cấp kinh phí hỗ trợ thực hiện di chuyển tập trung, xen ghép cho các hộ nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở" - Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn