MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà thầu xây dựng đối mặt với những khó khăn về bão giá vật liệu. Ảnh: Cao Nguyên

Khó khăn vẫn đeo bám doanh nghiệp ngành xây dựng

Cao Nguyên LDO | 24/11/2022 10:44

Khó khăn về dòng vốn, chi phí, giá cả leo thang, thiếu nguồn nhân lực… đang tiếp tục trở thành gánh nặng lớn cho các doanh nghiệp và nhà thầu xây dựng, buộc nhiều đơn vị phải chuyển từ tăng tốc sang “phòng thủ”.

Càng làm càng lỗ

Biến động giá cả vật liệu quá lớn; thủ tục pháp lý phức tạp; bị nợ đọng; công tác thanh kiểm tra chồng chéo… đang khiến các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đối mặt với chồng chất khó khăn.

37,9% số doanh nghiệp xây dựng tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết, trên 20% số dự án/hợp đồng của họ bị chậm tiến độ hoặc ảnh hưởng chi phí do dịch COVID-19. Có thể thấy, ngoài ảnh hưởng của dịch thì biến động giá nguyên vật liệu đã trở thành “cơn ác mộng” đối với các nhà thầu xây dựng.

Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu dùng trong xây dựng tăng 6,4% so với cùng kỳ do nhu cầu vật liệu xây dựng tăng cao, trong khi chuỗi cung ứng chưa hết gián đoạn từ năm 2020.

Hai loại vật liệu xây dựng quan trọng nhất là thép và ximăng lần lượt tăng giá. Do chi phí vật liệu xây dựng chiếm khoảng 65-70% giá dự toán xây dựng công trình, nên việc tăng giá vật liệu xây dựng ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu tư xây dựng, hiệu quả của nhiều dự án, bào mòn biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Một số chuyên gia trong ngành nhận định, “bão giá” đã quét sạch những lợi nhuận có thể hy hữu còn lại, đẩy nhiều doanh nghiệp rơi vào thua lỗ.

Trong khi đó, khảo sát của Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) với trên 2.000 doanh nghiệp xây dựng cho thấy, quy mô vốn chủ yếu là dưới 100 tỉ đồng. Bởi vậy, trong quan hệ giữa nhà thầu và chủ đầu tư thường không có sự bình đẳng.

Chỉ rất ít nhà thầu làm được công trình đòi hỏi chất lượng rất cao, thi công phức tạp mới có thể thương thảo, đàm phán, còn lại đa số khó kiếm được hợp đồng, công việc bị phụ thuộc vào chủ đầu tư. Do vốn nhỏ, các doanh nghiệp xây dựng phải dựa trên vốn tạm ứng của chủ đầu tư (song hầu hết chỉ được tạm ứng 10-15% giá trị gói thầu), sau là vốn vay ngân hàng, làm xong 1-2 tháng mới được quyết toán.

Đặc biệt, khung khổ pháp lý giữa chủ đầu tư - nhà thầu (hợp đồng xây dựng) vẫn còn nhiều vướng mắc, thủ tục pháp lý rắc rối, phức tạp trong khâu thanh quyết toán, nên phần thua thiệt luôn thuộc về nhà thầu.

100% doanh nghiệp xây dựng, từ những công ty nhỏ cho đến các tập đoàn, tổng công ty lớn đều có nợ đọng, nhất là ở khoảng giá trị khối lượng còn lại khoảng 20 - 25% cuối của dự án.

Tìm giải pháp “gỡ khó”

Cùng với các “đại gia” đầu ngành có thể kể đến như Hòa Bình Group hay Contecons thì không ít doanh nghiệp xây dựng tầm trung cũng đang gặp rất nhiều khó khăn vì gánh nặng chi phí. Đơn cử, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải hiện đang thi công ba dự án sử dụng vốn đầu tư công, tổng vốn đầu tư 150 tỉ đồng, trong đó hai khu tái định cư phải hoàn thành vào cuối năm 2022.

Ông Hoàng Hữu Sơn - Chủ tịch Công ty Hoàng Hải cho hay, khó khăn lớn nhất hiện tại là giá vật liệu đầu vào tăng quá cao.

Cụ thể, các dự án của công ty đang cần lượng đất san lấp rất lớn. Khi đấu thầu, giá đất đắp tại công trình là 70.000 đồng/m3, nhưng thực tế hiện nay là 110.000 đồng/m3.

Vị này nói rằng, trung bình một ôtô chở 20m3 đất vào công trình lỗ 800.000 đồng. Chưa kể, giá thép khi đấu thầu là 14.000.000 đồng/tấn, nay lên 18.000.000 đồng/tấn, cát 220.000 đồng/m3, nay lên gần 300.000 đồng/m3... Trong khi đó, tiến độ công trình thì không thể dừng lại, nếu dừng là vi phạm hợp đồng nên càng làm càng lỗ.

Thực tế, khó khăn của doanh nghiệp xây dựng đã kéo dài nhiều tháng qua. Thông tin từ VACC cho hay, sau 3 quý đầu năm, hầu hết doanh nghiệp xây dựng lớn đều không đạt kế hoạch đặt ra ban đầu.

Nói về nguyên nhân, đại diện VACC thông tin, bên cạnh khó khăn về chi phí vật liệu tăng phi mã, tình trạng ách tắc, vướng mắc pháp lý cũng đang khiến số dự án được triển khai trong năm 2022 còn chậm. Cùng với đó, việc cạn room tín dụng khiến chủ đầu tư, nhà thầu gặp khó khăn khi huy động vốn.

Điểm sáng hiếm hoi của ngành xây dựng trong thời gian qua là nguồn vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam. Đơn cử, những doanh nghiệp như Vinaconex có tới 80% công việc nằm ở dự án nước ngoài. Hay như Coteccons được chọn làm nhà thầu cho dự án nhà máy tỉ USD của Tập đoàn LEGO (Đan Mạch), được khởi công vào đầu tháng 11 vừa qua và dự kiến đi vào hoạt động từ 2024.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch VACC đánh giá vốn nước ngoài có thể coi là “lối thoát” hiếm hoi cho doanh nghiệp ngành xây dựng thời gian qua. Tuy nhiên, dự án FDI chỉ là lối thoát cho những doanh nghiệp lớn. Trong khi khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa đủ khả năng cạnh tranh “chết dần, thậm chí chết rất nhanh”.

Để tháo gỡ khó khăn, VACC kiến nghị cần có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý, giảm thiểu “phí không tên”. Đặc biệt, các nhà thầu đang mong muốn giải ngân vốn đầu tư công rút ngắn thời gian và thủ tục hơn. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn