MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những suất cơm chuẩn bị cho người bệnh. Ảnh: Cơm Tự tâm

Khó kiểm soát chất lượng bữa ăn từ thiện

Lệ Hà LDO | 18/11/2023 12:47

Bữa ăn từ thiện như cháo tình thương hay cơm miễn phí phát cho các bệnh nhân nghèo, người nhà bệnh nhân, người có hoàn cảnh khó khăn đã được nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện tại nhiều cơ sở y tế, vùng khó khăn. Tuy nhiên, đã có không ít vụ ngộ độc đáng tiếc xảy ra từ bữa ăn từ thiện.

Nhiều sự cố đáng tiếc

Đầu năm 2023, sau khi ăn chè đậu trắng được phát miễn phí tại huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) có 88 người xuất hiện dấu hiệu ngộ độc thực phẩm trong đó có 35 trường hợp nhập viện, 4 trường hợp diễn biến nặng phải chuyển lên tuyến trên cấp cứu, có 1 người tử vong. Những suất chè này do một phụ nữ ở huyện Chợ Mới nấu và phát miễn phí cho bà con trong xóm và người đi đường.

Người phụ nữ này có mua 20kg đậu trắng, 8kg nếp, 10kg dừa nạo sẵn và 24kg đường cát về nấu chè đem phát miễn phí.

Gần đây nhất, vụ ngộ độc sau khi ăn bánh Trung thu khiến 50 người xuất hiện triệu chứng khó chịu, quặn ruột, đau, trong đó 19 người phải nhập viện để chăm sóc y tế, 1 cháu bé tử vong xảy ra tại Chương trình Trung thu của một chung cư ở phường An Phú, TP Thủ Đức. Qua điều tra, thực phẩm khiến các cháu bé bị ngộ độc là bánh su kem do chủ một cửa hàng tại quận Bình Thạnh tài trợ cho chương trình.

Bên cạnh những sự cố đáng tiếc, vẫn có những tổ chức, cá nhân đứng ra thực hiện bữa cơm từ thiện an toàn. Kể từ đầu năm 2017 đến nay, nhóm Cơm Tự Tâm đã phát miễn phí hàng chục nghìn suất cơm cho những bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Cơm Tự Tâm là một mô hình cơm từ thiện mà ai có gạo góp gạo, ai có sức góp sức để đem tới những suất ăn ngon lành miễn phí cho các bệnh nhân và người nhà.

Chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2023, cứ đều đặn vào thứ 4 và chủ nhật hằng tuần, hàng chục thiện nguyện viên lại có mặt tại bếp cơm thiện nguyện An Yên, tất bật chuẩn bị nguyên liệu, sơ chế, cùng nhau làm công việc thầm lặng nhưng chứa đầy tình yêu thương.

Chị Nguyễn Thị Vân (quận Hà Đông, TP Hà Nội) - Bếp trưởng bếp ăn từ thiện An Yên - cho biết: Hiện mỗi ngày bếp nấu từ 500 - 600 suất ăn phục vụ cho bệnh nhân tại Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Nguyên liệu được chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo về dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như cân đối món ăn để phù hợp cho cả trẻ em và người lớn...

Kiểm soát thực phẩm miễn phí vẫn còn khoảng trống

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM - thừa nhận: Quản lý đối với mặt hàng thực phẩm từ thiện còn là mảng trống, chưa tìm ra cách quản lý hiệu quả vấn đề thực phẩm từ thiện. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động này đa phần là tự phát. Về mặt pháp luật, loại hình này có nhiều điểm tương tự với thực phẩm đường phố, không đăng ký kinh doanh, không cần giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - cho biết, qua thống kê có đến 70% các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể là do chế biến ở nơi khác, sau đó vận chuyển đến...

Kiểm soát an toàn thực phẩm là cả một quá trình, từ khi lựa chọn nguồn nguyên liệu đến quá trình nhập nguyên liệu, xử lý sơ chế ban đầu kể cả nguồn nước hay trang thiết bị, dụng cụ.

Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm các địa phương yêu cầu ngành y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tăng cường tuyên truyền, cập nhật kiến thức về an toàn thực phẩm cho các nhóm đối tượng chế biến, kinh doanh, tiêu dùng...

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 10 cả nước xảy ra 13 vụ ngộ độc thực phẩm với 261 người bị ngộ độc (6 người tử vong). Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 93 vụ với 1.617 người bị ngộ độc, 21 người tử vong. Trong số này, không ít vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn