MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khó kiểm soát việc “thuê mướn” chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh

Kim Đồng LDO | 29/07/2019 17:50
Còn tồn tại trường hợp người đã đi ra nước ngoài từ lâu hoặc không đủ sức khỏe để khám, chữa bệnh nhưng vẫn có tên trong danh sách đăng ký hành nghề khám chữa bệnh trong nước.

Tại Hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh diễn ra tại TPHCM hôm 29.7, đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết có một thực tế: Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề cho một bác sỹ không có thời hạn xác định - điều này dẫn đến việc người được cấp chứng chỉ hành nghề không còn đủ khả năng, điều kiện để hành nghề… nhưng lại cho thuê, mướn lại chứng chỉ hành nghề.

Đáng nói, có những trường hợp đã ra nước ngoài từ lâu nhưng vẫn có tên đăng ký hành nghề y tại Việt Nam. Hay có những trường hợp dù mắc bệnh nặng, không thể trực tiếp khám chữa bệnh, thậm chí là nằm liệt giường nhưng vẫn tiếp tục có tên trong danh sách đăng ký hoạt động khám chữa bệnh.

Trước thực tế này, không ít người cho rằng nên sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong việc cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn cho từng chức danh tương ứng. Đại diện Sở Y tế đưa ra ví dụ, chứng chỉ hành nghề đối với bác sỹ có thể thời hạn là 5 năm, còn điều dưỡng, hộ sinh có thể là 3 năm và được xem xét gia hạn khi vượt qua các kỳ sát hạch sau đó.

Tiến sỹ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cũng đồng quan điểm trên và cho rằng, hiện nay ngoài Việt Nam chỉ còn một vài nước cấp chứng chỉ hành nghề không xác định thời hạn cho nhân viên y tế. Việc này khiến cho người hành nghề y không có ý thức nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Trong khi thực tế đòi hỏi bác sỹ phải luôn cập nhật các kỹ thuật mới, các tiến bộ của y học để đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh.

“Việc cấp chứng chỉ hành nghề hiện nay mới chỉ được tiến hành trên giấy tờ mà không qua một kỳ sát hạch cụ thể nào. Điều này vô hình chung không thể đánh giá đúng năng lực thực chất của người hành nghề y. Cần có một kỳ thi do Hội đồng quốc gia trực tiếp sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ này có giá trị trên toàn quốc,...”, ông Quang cho biết thêm. Luật cũng cần có quy định thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với những người không hành nghề trong 2 năm liên tiếp hoặc không tham gia các chương trình đào tạo liên tục hay có sai sót chuyên môn nghiêm trọng.

Cũng tại hội nghị, Tiến sỹ Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo – Bộ Y tế cũng nhắc đến nhân lực y tế, hiện cả nước có 181 cơ sở đào tạo y khoa với nhiều hình thức đào tạo như: chính quy tập trung, liên thông, đào tạo theo địa chỉ, cử tuyển, Hệ vừa học vừa làm và các chương trình liên kết đào tạo,…phần nào đã đáp ứng nhu cầu của người học, cung ứng nguồn nhân lực cho hệ thống y tế trên toàn quốc. Song song đó, công tác đào tạo nhân lực y tế hiện nay vẫn còn những bất cập như việc mở rộng quy mô đào tạo khiến khó kiểm soát chất lượng đào tạo.

Còn nhiều bất cập trong cung ứng thuốc

Tại hội thảo, theo đại diện Bộ Y tế, công tác cung ứng, quản lý và sử dụng thuốc tại bệnh viện về cơ bản bảo đảm cung ứng đầy đủ. Tuy nhiên, công tác xây dựng kế hoạch, dự trù thuốc sử dụng trong năm của các bệnh viện chưa sát với thực tế dẫn đến việc phân bổ kết quả lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc, vật tư y tế, hóa chất sinh phẩm chưa hợp lý.

Còn tình trạng một số nhà cung ứng không cung cấp đủ hàng, chủ yếu là thuốc nhập khẩu hoặc thay đổi về số đăng ký, hạn dùng so với thuốc đã trúng thầu gây khó khăn cho việc cung ứng thuốc tại bệnh viện. Đặc biệt, đối với một số thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần... khi thực hiện đấu thầu tập trung không có nhà thầu tham dự dẫn đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm thuốc cho điều trị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn