MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khó phân biệt thật - giả khi mua thuốc điều trị ung thư trên mạng

LƯƠNG HẠNH LDO | 02/03/2023 08:54

Theo các dược sĩ, rất khó để phân biệt thật - giả khi mua các loại thuốc hàng “xách tay”, thực phẩm chức năng và nhiều loại thuốc được cho là điều trị ung thư trên mạng. 

Không dưới một lần, dược sĩ Tạ Quốc Việt - Chủ một nhà thuốc trên địa bàn huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội tiếp nhận thông tin từ bệnh nhân và người nhân về việc họ mua phải thuốc giả; trong đó đặc biệt là các loại thuốc điều trị ung thư. 

Theo dược sĩ này, để có thể phát hiện xem đó có phải loại thuốc giả hay không, ngoài các chi tiết trên vỏ bao bì thì nhân viên y tế phải dựa vào việc xét nghiệm thành phần các loại thuốc. Do đó, nếu chỉ nhìn bằng mắt thường thì bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không thể phát hiện được.

"Có lần người nhà bệnh nhân đem đến chỗ tôi hai lọ thuốc Tecentriq 1.200 mg/20 ml, một lọ được mua tại bệnh viện còn một lọ mua trên mạng với giá rẻ hơn. Họ hỏi tôi đâu là thuốc thật, đâu là thuốc giả. Nếu là người trong nghề lâu năm, chúng tôi sẽ phân biệt được, còn với họ thì không thể" - anh Việt nói. 

Khó phân biệt thật - giả khi mua thuốc điều trị ung thư trên mạng. Ảnh: Quốc Việt. 

"Có bệnh vái tứ phương" là tâm lí chung của đa số bệnh nhân. Đặc biệt là đối với những người lớn tuổi. Cũng theo dược sĩ Việt, những người này "nhẹ dạ cả tin" và thường dễ đặt mua các loại thuốc trôi, nổi trên thị trường kể cả khi không thực sự biết về tác dụng của thuốc.

"Rất khó để bệnh nhân phân biệt thuốc thật - giả khi mua thuốc điều trị ung thư trên mạng. Nếu họ sử dụng thuốc giả mà không đỡ thì họ chỉ nghĩ đơn giản là thuốc không hợp hoặc bệnh của họ đã đến giai đoạn uống thuốc cũng không thể điều trị được" - dược sĩ Việt nói.

Tràn lan các loại thuốc với giá cả khác nhau. Ảnh: Chụp màn hình.

Cũng từng gặp các bệnh nhân có biểu hiện buồn nôn, đau nhức xương khớp khi không may sử dụng phải thuốc giả, dược sĩ Lưu Thị Diễm My (công tác tại nhà thuốc bệnh viện quận Hà Đông, TP. Hà Nội) cho rằng bệnh nhân phải thực sự tỉnh táo khi đặt mua thuốc.

Bệnh nhân ung thư cần sử dụng thuốc theo đơn thuốc được bác sĩ kê đơn và tìm hiểu các địa chỉ bán thuốc uy tín, có đầy đủ tem, nhãn, chứng nhận của các cơ quan liên quan. 

"Tất cả các loại thuốc nhập khẩu về Việt Nam phải có công ty chịu trách nhiệm, có tem phụ đầy đủ. Nếu đã thuốc nhập ngoài mà bệnh nhân mua được, giá rẻ hơn ở bệnh viện thì đó là hàng "xách tay" - hàng lậu" - chị My nói. 

Cũng theo dược sĩ My, chi phí điều trị đối với một bệnh nhân ung thư là vô cùng lớn. Do đó, họ thường cố tìm cách giảm thiểu tối đa các chi phí chữa trị bằng việc tìm mua thuốc với giá rẻ hơn, bằng một nửa so với giá tại các bệnh viện, nhà thuốc. 

Bệnh nhân ung thư là đối tượng rất dễ bị "thao túng tâm lí". Tuy nhiên, bệnh nhân đã can thiệp đến trị xạ, sử dụng các loại thuốc theo phác đồ điều trị của bác sĩ thì cần phải tiếp tục kiên trì thực hiện. Không nên tìm kiếm những phương pháp "lạ" và địa chỉ bán thuốc điều trị ung thư tràn lan trên mạng, tránh cảnh "tiền mất tật mang".

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cũng đã cảnh báo thị trường xuất hiện nhiều thuốc giả điều trị ung thư, đái tháo đường, huyết áp, dạ dày, thuốc nhỏ mắt.

Thuốc giả gồm nhiều loại, trên nhãn ghi công dụng khác nhau. Ví dụ, thuốc Nexium 40 mg điều trị dạ dày, thuốc điều trị ung thư Tecentriq 1.200 mg/20 ml (atezolizumab), thuốc điều trị đái tháo đường Diamicron MR 30 mg, thuốc Coveram 5 mg/5mg điều trị tăng huyết áp, thuốc nhỏ mắt TobraDex.

Ngoài ra, còn có hai loại thuốc giả kháng sinh Tetracyclin Tw3 250mg và Clorocid Tw3 250mg.

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược đề nghị cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc cần phân biệt - nhận biết thật giả, báo cơ quan chức năng nếu phát hiện thuốc giả. Lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra thị trường, truy tìm nguồn gốc các sản phẩm giả trên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn