MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình trạng nuôi thủy sản tự phát sẽ làm gia tăng lượng rác, chất thải đổ ra biển, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển. Ảnh: Hoài Luân

Khó xử lý tình trạng nuôi thủy sản tự phát ở Bình Định

Hoài Luân - Phương Thảo LDO | 15/03/2024 14:44

Nằm trong vùng triển khai dự án neo đậu tránh trú bão, thế nhưng hiện nay, phần lớn diện tích mặt nước dưới chân cầu Đề Gi (Bình Định) luôn bị các lồng bè nuôi thủy sản tự phát bủa vây, gây cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và môi trường biển.

Nhan nhản lồng bè thủy sản tự phát

Khoảng 2 năm trở lại đây, quanh khu vực chân cầu Đề Gi thuộc địa phận của xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) và xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), tình trạng người dân lấn chiếm diện tích mặt nước trong khu vực được quy hoạch dự án để nuôi thủy sản, gây cản trở dòng chảy, nguy cơ ô nhiễm môi trường biển.

Ghi nhận của Lao Động trong những ngày đầu tháng 3.2024, hàng chục lồng bè nuôi thủy sản của các hộ dân vẫn giăng chi chít trên mặt nước, nằm ngay trên luồng lạch ra vào Cảng cá Đề Gi của tàu thuyền. Bên trong các lồng bè này luôn nuôi dày đặc các loại cá biển, hàu...

Việc nuôi thủy sản của các hộ dân quanh khu vực dưới chân cầu Đề Gi không nằm trong quy hoạch nuôi thủy sản của địa phương.

Vị trí mặt nước bị lấn chiếm cũng nằm trong khu vực đã được UBND tỉnh Bình Định quy hoạch Dự án Khu neo đậu tránh trú bão đầm Đề Gi, gây ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông của tàu thuyền.

Quanh khu vực cầu Đề Gi thuộc địa phận của xã Cát Khánh, hiện có 12 trường hợp là người dân địa phương tự ý đóng lồng bè nuôi thủy sản. Phía bờ đối diện thuộc địa phận xã Mỹ Thành có 20 trường hợp lấn chiếm diện tích mặt nước, trong đó 3 trường hợp của xã Mỹ Thành và 17 của xã Cát Khánh.

Theo người dân địa phương, trước đây, khu vực mặt nước dưới chân cầu Đề Gi chỉ có vài hộ dân tự ý đóng lồng bè để nuôi thủy sản. Lâu dần, họ không thấy trường hợp nào bị xử lý nên những cũng ra lấn chiếm theo, bởi tâm lý "họ làm được, mình cũng làm được". Mỗi vụ nuôi thủy sản thường kéo dài khoảng 5 - 6 tháng là thu hoạch, tùy vào loại giống.

Địa phương hứa xử lý dứt điểm

Trao đổi với Lao Động, ông Đinh Thành Tiến - Chủ tịch UBND xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) - cho biết, tình trạng các hộ dân lấn chiếm mặt nước để nuôi thủy sản diễn ra khoảng 2 năm nay. Địa phương cũng thường xuyên phối hợp với xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) để xử lý các trường hợp vi phạm. Trong năm nay, sẽ xử lý dứt điểm tình trạng này.

"Do nghề đi biển bấp bênh, nuôi tôm trên cát gặp khó khăn nên các hộ dân đã tự ý đóng lồng bè trên mặt nước để nuôi thủy sản. Sau một thời gian, các trường hợp lấn chiếm ngày càng nhiều. Khu vực người dân lấn chiếm mặt nước thuộc địa phận quản lý của 2 địa phương là xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) và xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) nên rất khó khăn trong việc xử lý, vì công dân ở xã này nhưng sang lấn chiếm diện tích mặt nước tại xã khác, gây khó khăn cho việc vận động" - ông Tiến thông tin.

Nói về vấn đề trên, ông Phạm Dũng Luận - Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát - cho hay, địa phương đã chỉ đạo xã Cát Khánh kiểm đếm số lượng lồng bè nuôi thủy sản tại quanh khu vực cầu Đề Gi để tuyên truyền, vận động bà con tháo dỡ.

Thời gian tới sẽ xử lý dứt điểm tình trạng này, trả lại mặt bằng để phục vụ triển khai Dự án Khu neo đậu tránh trú bão đầm Đề Gi.

Thông tin với Lao Động, ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định - cho biết, tình trạng các hộ dân lấn chiếm mặt nước để nuôi thủy sản diễn ra đã lâu và cũng không nằm trong quy hoạch nuôi thủy sản của địa phương, gây ảnh hưởng đến môi trường biển. Tuy nhiên, tình trạng này chưa gây cản trở gì đến việc ra vào Cảng cá Đề Gi của tàu thuyền.

"Thời gian tới, tôi sẽ trực tiếp làm việc với huyện Phù Mỹ và Phù Cát để xử lý tình trạng này, sau đó sẽ thông tin cụ thể kết quả đến quý báo" - ông Phúc nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn