MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều diện tích lúa ở Sóc Trăng bị thiệt hại do hạn, xâm nhập mặn. Ảnh: Phương Anh

Khoảng 1.000ha ảnh hưởng hạn mặn, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo cứu lúa

PHƯƠNG ANH LDO | 25/03/2024 20:22

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Sóc Trăng, có khoảng 1.000 ha lúa Đông Xuân muộn (vụ 3) bị ảnh hưởng do thiếu nước kết hợp ngộ độc phèn do hạn hán, xâm nhập mặn.

Ngày 25.3, trong chuyến kiểm tra tình hình hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đề nghị ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương cần tập trung ứng phó với cao điểm hạn mặn trong đó nỗ lực vận hành, điều tiết hợp lý hệ thống cống, tranh thủ lấy nước ngọt để cứu các diện tích lúa đang có nguy cơ hư hại.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng yêu cầu ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với địa phương rà soát, lập kế hoạch kiểm tra hoạt động của các cống trên địa bàn, kịp thời sửa chữa những cống xuống cấp, đảm bảo các cống ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn hoạt động có hiệu quả.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, từ ngày 8.2 - 1.3, xâm nhập mặn theo sông Hậu vào sâu trong nội đồng, xu hướng ngày càng tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn Long Phú - Tiếp Nhật và huyện Kế Sách.

Ranh mặn 4g/lít dịch chuyển thường xuyên trên địa bàn xã Nhơn Mỹ – Song Phụng gây khó khăn cho việc cung cấp nước khu vực Long Phú - Tiếp Nhựt.

Theo quan trắc và dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, các đợt xâm nhập mặn cao nhất nằm trên tuyến sông Hậu tập trung trong tháng 2 và tháng 3.2024 (độ mặn tại vàm Đại Ngãi thường xuyên ở mức trên 8g/lít) gây khó khăn trong việc vận hành công trình thủy lợi lấy nước phục vụ sản xuất của vùng này.

Dự báo cuối tháng 5.2024, xâm nhập mặn giảm dần.

Cống Cái Quanh (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) tiến hành mở lấy nước vào phục vụ cho vùng sản xuất lúa Long Phú - Tiếp Nhựt. Ảnh: Phương Anh

Tỉnh Sóc Trăng cũng đã làm tốt công tác phòng, chống xâm nhập mặn ngay từ đầu mùa khô nên sản xuất thắng lợi vụ Đông Xuân 2023-2024. Tuy nhiên, do giá lúa tăng cao, người dân ở các huyện Long Phú, Trần Đề (nơi thường xuyên ảnh hưởng hạn, mặn) vẫn tiếp tục sản xuất vụ 3 vào cao điểm xâm nhập mặn nên nguy cơ rủi ro cao về thiếu nước, ngộ độc phèn.

Cũng theo Sở NN&PTNN, đến ngày 23.3, huyện Long Phú có khoảng 6.000 ha lúa nằm ngoài kế hoạch (vùng khuyến cáo không xuống giống do ảnh hưởng hạn mặn). Trong đó, khoảng 1.000 ha lúa bị ảnh hưởng do thiếu nước kết hợp ngộ độc phèn. Trong đó có 33 ha thiệt hại trắng do nông dân xuống giống ngay cao điểm mặn nên không tiếp tục chăm sóc.

Ông Phạm Tấn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Sóc Trăng - cho biết, đối với những diện tích lúa còn lại, ngành thủy lợi cố gắng duy trì, tiếp nước cho bà con để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn