MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sáng chế thùng rác thông minh của nhóm sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng dù được đánh giá cao về tính ứng dụng nhưng vẫn khó tìm được nhà đầu tư. Ảnh: Nguyễn Linh

Khoảng trống lớn về hệ sinh thái khởi nghiệp ở trường đại học

Nguyễn Linh LDO | 15/06/2023 12:43

Mỗi năm có hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp ra trường, tuy nhiên số lượng sinh viên bắt đầu với hệ sinh thái khởi nghiệp khi ngồi trên ghế nhà trường vẫn còn rất ít và hiệu quả thấp.

Nhiều chương trình hợp tác chưa hiệu quả

Theo ông Lê Quang Sơn - Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng - việc đổi mới sáng tạo khởi nghiệp trong sinh viên còn gặp nhiều khó khăn.
Về phía nhà trường, các nội dung hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu mang tính chủ quan, thiên lệch xuất phát từ một bên, khi cần thì đặt vấn đề hợp tác và bên kia đồng tình, thuận theo chứ chưa thực sự có thực hiện khảo sát, tìm hiểu, nghiên cứu sâu, toàn diện để lựa chọn các thế mạnh, nội dung hợp tác thực chất, hiệu quả.
“Một số trường, khoa chỉ mong muốn doanh nghiệp hỗ trợ nguồn lực, kinh phí, học bổng là chính mà chưa có tìm hiểu nghiên cứu nhu cầu, thế mạnh của các doanh nghiệp, từ đó các nội dung nhà trường đề xuất vẫn còn phiến diện, chưa có tính hợp lí và khả thi cao” - ông Lê Quang Sơn nói.
Về phía doanh nghiệp, các hoạt động hợp tác chủ yếu dựa trên cơ sở phần lớn thông qua các cựu sinh viên, học viên gắn bó với nhà trường bằng tình cảm cá nhân, chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của chính các doanh nghiệp.
Nội dung hợp tác chủ yếu là tìm kiếm, tuyển chọn các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc còn mang tính “ngắt ngọn, bỏ cành”, hiệu quả tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực do đó còn lãng phí, chưa được khai thác tối đa từ các trường đại học đào tạo.
“Các hoạt động chuyển giao công nghệ - sản phẩm, hợp tác, đặt hàng giữa doanh nghiệp - nhà trường chưa thật sự hiệu quả” - ông Lê Quang Sơn nói.
Trong khi đó, những năm qua, Đại học Đà Nẵng đã xây dựng một mạng lưới và thực hiện kí kết biên bản hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong, ngoài nước.
Nhiều hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cho sinh viên có sự tham gia của đối tác như Festival Sáng tạo trẻ, Cuộc thi Khởi nghiệp công nghệ trong SV, Chương trình 21CS - Phát triển năng lực nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, Cuộc thi Startup runway, Chuỗi workshop “Trí tuệ Việt - Khát vọng toàn cầu”…

Vẫn còn khoảng trống lớn

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển luôn là động lực, tạo nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Thục - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng - tại các trường đại học trên địa bàn TP Đà Nẵng, lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn còn khoảng trống lớn, ít doanh nghiệp khởi nghiệp xuất phát trong nhà trường.
Trong những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP Đà Nẵng đã hình thành và phát triển với nhiều thành tố đa dạng được kết nối, hỗ trợ lẫn nhau.
Chính vì vậy, đại diện Đại học Đà Nẵng cho rằng, cần có sự phối hợp giữa nhà trường với doanh nghiệp để đào tạo nhân lực, biến các ý tưởng nghiên cứu thành sản phẩm áp dụng trong thực tiễn.
Trong kỷ nguyên số điều này rất quan trọng, giúp cho doanh nghiệp nắm bắt được ý tưởng mới để liên tục tạo ra sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao trên thị trường.
Cần tạo ra môi trường để cán bộ và sinh viên trực tiếp làm việc, hợp tác với doanh nghiệp tạo ra sản phẩm mới.
Đồng thời đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển quảng bá học hiệu/thương hiệu để hình thành các sản phẩm chung giữa các trường đại học và doanh nghiệp.
Trường Đại học Đà Nẵng cũng đề xuất mô hình kết nối cung-cầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu khoa học giữa trường đại học với doanh nghiệp và địa phương thông qua mô hình Liên hiệp đào tạo, Training - Science-Technology Consortium” giữa các trường ĐH với các doanh nghiệp…
Tại Hội thảo quốc tế “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng và đối ngoại nhân dân trong kết nối vận động nguồn lực” vừa qua, bà Nguyễn Phương Nga - Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam - hi vọng, năm 2045 Đà Nẵng trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn