MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chăm sóc sức khỏe cho học sinh tại Phòng Y tế Trường Tiểu học Hiệp Tân (quận Tân Phú). Ảnh: Chân Phúc

Khoảng trống nhân viên y tế học đường

Thanh Chân - Chân Phúc LDO | 11/11/2023 11:05

Nhiều trường học ở TPHCM gặp khó khi tuyển dụng nhân viên y tế học đường, gây ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho học sinh. Có thể thấy rằng, mức lương và thời gian làm việc không tương xứng đã tạo nên thực trạng này.

Thiếu và yếu về nhân lực

Ghi nhận tại một số trường học trên địa bàn thành phố, hiện nay công tác y tế học đường vẫn còn những hạn chế và khó khăn. Trong khi đó, đây là nơi sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh trong những trường hợp tai nạn thương tích trước khi chuyển đến bệnh viện; đồng thời, là nơi chăm sóc sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm trong môi trường học đường.

Không chỉ thiếu và yếu về nhân lực cũng như ngân sách, cơ sở vật chất cho công tác y tế trường học cũng chưa được đảm bảo.

Bên cạnh đó, tồn tại thực trạng không tuyển được cán bộ đúng chuyên môn hoặc kiêm nhiệm vị trí.

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1) - chia sẻ, việc tuyển dụng nhân viên y tế trong trường học rất khó. Lý do là lương quá thấp, lương tối thiểu vùng chỉ hơn 4.000.000 đồng. Song song đó, thời gian làm việc thì kéo dài từ 6h30 - 17h. Thời gian và mức lương cho công việc này chưa tương xứng.
"Hiện nhà trường ký hợp đồng với một nhân viên làm trong ngành y tế đã nghỉ hưu" - ông Phú cho biết.

Ông Lương Văn Minh - Hiệu trưởng Trường THPT Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) - cho hay, công chức đã có phụ cấp công vụ, còn viên chức như y tế, văn thư, thư viện… đang công tác tại các trường THPT có phụ cấp đặc thù ngành, nhưng vẫn còn thấp. Nếu Nhà nước quan tâm đúng mức đến một số phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp độc hại… sẽ tác động tích cực đến hiệu quả làm việc của người lao động.

Trách nhiệm về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong bếp ăn bán trú

Trên thực tế, hoạt động y tế trường học không đơn giản chỉ là sơ cấp cứu mà còn tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe xây dựng khung dinh dưỡng - y tế hợp lý, góp phần cải thiện cân nặng, chiều cao cho học sinh.

Có thể thấy rằng, thiếu và yếu về nhân lực y tế học đường đã ảnh hưởng đến việc giám sát sức khỏe của học sinh, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm. Hầu hết trường mầm non, tiểu học và một số trường THCS ở thành phố đều tổ chức cho học sinh ăn, nghỉ bán trú, trong khi vấn đề không đảm an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú trong trường học liên tục xảy ra.

Theo số liệu từ Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, trong năm học 2022-2023, số trường có nhân viên y tế đúng quy định đạt 59,76%; 20,27% trường có nhân viên y tế có chuyên môn nhưng chưa đạt chuẩn và 19,71% trường có nhân viên y tế nhưng không đúng chuyên môn.

Số trường học tổ chức kiểm tra sức khỏe ban đầu cho học sinh đạt tỉ lệ 98,83% trong tổng số gần 2.000 trường ở các bậc học. Số học sinh thừa cân, béo phì chiếm tỉ lệ cao nhất với 32,28%, bệnh khúc xạ về mắt 28,85%, sâu răng 23,23% và suy dinh dưỡng 4,58%.

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố khuyến cáo, khi chưa tuyển dụng được nhân viên y tế chuyên trách có trình độ chuyên môn, trường học phải phân công nhân viên kiêm nhiệm làm đầu mối theo dõi công tác y tế trường học. Tiếp đến, ký hợp đồng với cơ sở y tế, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn để triển khai công tác y tế trường học.

UBND TPHCM đã có kế hoạch triển khai thực hiện công tác y tế trường học giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn. Kế hoạch được triển khai nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đảm bảo tốt các điều kiện chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở giáo dục, góp phần giảm tỉ lệ mắc bệnh, kiểm soát và hạn chế các yếu tố nguy cơ phát sinh và gia tăng của các bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, phát hiện sớm bệnh tật học đường phổ biến hiện nay nhằm nâng cao sức khỏe để học sinh học tập, rèn luyện tốt hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn