MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Không áp dụng Chỉ thị 15,16, người vào Hà Nội vẫn phải xếp hàng làm thủ tục

Phạm Đông LDO | 14/10/2021 15:13
Mặc dù theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, các địa phương tạm ngừng áp dụng chỉ thị 15,16 trên toàn quốc, nhưng người ra vào qua các chốt cửa ngõ Hà Nội vẫn phải thực hiện đầy đủ các thủ tục xét nghiệm, khai báo y tế. Có nhiều gia đình đón con từ quê trở lại Hà Nội phải chi cả triệu đồng tiền xét nghiệm COVID-19.

Theo ghi nhận của Lao Động, ngày 14.10 - ngày đầu tiên thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới của Hà Nội, 22 chốt cửa ngõ ra vào Thủ đô vẫn được thực hiện để kiểm soát phương tiện ra, vào thành phố.

Tại chốt kiểm soát cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, hàng dài ôtô vẫn xếp hàng chờ làm thủ tục để qua chốt. Việc kiểm soát được thực hiện ở cả chiều ra và vào Hà Nội.

Hàng dài xe xếp hàng qua cửa ngõ Hà Nội.

Các loại giấy tờ mà người qua chốt cần phải xuất trình gồm giấy xác nhận xét nghiệm RT-PCR trong vòng 72 giờ, giấy đi đường hoặc giấy xác nhận ra vào Hà Nội để thực hiện nhiệm vụ công vụ, chống dịch.

Để điều tiết giao thông, lực lượng CSGT đã phải phân luồng từ xa để các xe luồng xanh không đi vào làn kiểm soát. Các trường hợp không thể khai báo y tế qua mạng đều được cung cấp giấy để viết tay. Theo ghi nhận, trung bình mỗi người mất 20-25 phút để hoàn thành việc khai báo vào các khung giờ cao điểm.

Lực lượng công an phân làn, hướng dẫn các phương tiện vào chốt khai báo thông tin.

Nhiều người cho rằng, Hà Nội vẫn chưa thực hiện mở cửa theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, vẫn chọn giải pháp an toàn gây khó khăn cho người dân trong việc di chuyển.

Bên cạnh đó, hướng dẫn của Bộ Y tế yêu cầu không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân, chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng phong tỏa.

 Chốt khai báo y tế cho các tài xế.

Anh Nguyễn Văn Đức (Long Biên, Hà Nội) cho biết, khi nghe tin trên báo đài là tạm thời các địa phương không áp dụng Chỉ thị 15, 16, nên hôm nay quyết định đưa con gái lên Hà Nội để tiêm chủng. Đến chốt kiểm dịch tại Pháp Vân vẫn có yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 mới được qua. Do đó, anh và vợ vẫn phải bổ sung thủ tục này. Tuy nhiên, mẫu xét nghiệm PCR gộp cho 2 người vẫn tốn gần 1 triệu đồng.

Theo anh Đức, khi dịch bệnh được kiểm soát, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể thì nên dừng việc kiểm soát đi lại và yêu cầu xét nghiệm đối với người dân bởi phát sinh nhiều chi phí và tốn thời gian.

Người dân sử dụng nhiều hình thức để khai báo y tế.

Nói về vấn đề này, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, lực lượng chức năng tạm thời vẫn duy trì 22 chốt kiểm soát ra vào Thủ đô.

Theo Đại tá Phạm Ngọc Dương, hiện chưa có chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội về việc bỏ chốt hay dừng kiểm tra xét nghiệm COVID-19 trước khi vào thành phố nên Công an TP.Hà Nội chưa thể tháo chốt kiểm soát. Tuy nhiên, các chốt sẽ linh hoạt để tránh gây ùn tắc.

Khi đã khai báo xong, người dân được đóng dấu vào tay và tiếp tục lưu thông.

"Trong 1-2 ngày tới, nếu thành phố chưa có ý kiến thì chúng tôi sẽ tự đề xuất. Còn hiện tại chúng tôi vẫn duy trì các chốt để tiếp đón, phục vụ ăn uống đối với bà con đi xe máy từ vùng dịch đi qua Hà Nội, bàn giao cho công an các tỉnh", Đại tá Phạm Ngọc Dương thông tin thêm.

Tính đến hôm nay là tròn 3 tháng Hà Nội lập 22 chốt kiểm soát ra, vào thành phố. Việc lưu thông tại các chốt sẽ dựa trên nguyên tắc kiểm soát chặt cả người vào, người ra khỏi thành phố, đồng thời kiểm soát chặt chẽ người từ các vùng dịch, vùng nguy cơ cao vào thành phố.

Trước đó, ngày 21.9, Hà Nội quyết định nới lỏng các hoạt động sau 4 lần giãn cách xã hội, tuy nhiên, 22 chốt cửa ngõ vẫn được duy trì đến nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn