MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiểu thương (mặc áo đen) nhận ship cầy hương từ bến đò Hương Tích ra bến đò suối Yến. Ảnh: Cắt từ clip

Không bày bán nhưng vẫn nhận ship thịt thú rừng ở lễ hội chùa Hương

NHÓM PHÓNG VIÊN LDO | 13/02/2024 16:16

Trước sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, tình trạng bày bán thịt thú rừng tại lễ hội chùa Hương đã không còn diễn ra. Tuy vậy, vẫn có tiểu thương nhận ship "hàng rừng" từ khu vực động Hương Tích ra bến đò suối Yến.

Đã không còn tình trạng bày bán thịt thú rừng

Trong ngày đầu tiên thực hiện bán vé dịp Tết Nguyên đán - ngày mùng 3 Tết (12.2), chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) đã đón hơn 21.000 lượt khách.

Cùng với lượng khách đổ về ngày một đông, các hàng quán kinh doanh dịch vụ đi kèm như ăn uống, nghỉ trọ, bán đồ lễ cũng vô cùng sôi động.

Ngày mùng 3 Tết có 21.000 khách trẩy hội chùa Hương. Ảnh: PV Lao Động

Tại một số nhà hàng ăn uống dọc từ bến đò Hương Tích lên động Hương Tích, một số cửa hàng, tiểu thương bày bán một số thịt động vật tươi như bê, nhím, cầy...

Khi được hỏi về nguồn gốc các tiểu thương cho biết, các loại như nhím hay cầy đều là động vật mà người dân nuôi, không phải thịt thú rừng.

"Nói thật với anh cầy này là cầy hoa quả (cầy ăn các loại hoa quả - PV) và cầy đá được người dân nuôi, nhím này cũng là nhím nuôi. Ở đây giờ không ai dám bán "hàng rừng" nữa", một tiểu thương cho biết.

Tại một cửa hàng khác, chủ cửa hàng cũng thông tin tương tự trên với khi được hỏi về nguồn gốc các loại thịt động vật tươi. Mức giá cầy là từ 700 nghìn đồng/kg, nhím là 800 nghìn đồng/kg.

Loại thịt cầy đang được bày bán được các tiểu thương cho biết là cầy đá, cầy hoa quả được người dân nuôi. Ảnh: PV Lao Động

Tuy vậy, tiểu thương này cho biết, nếu muốn ăn cầy hương thì vẫn có thể có nhưng mức giá cao hơn và phải đợi 3 tiếng mới "có hàng" hoặc lấy số điện thoại và đợi ship ở bến đò suối Yến.

"Nếu anh đặt thì bên em mới lấy vào vì hàng đắt nên bọn em không dám lấy. Quan trọng mình có thiện chí lấy hay không. Bên em sẽ ship ra bến đò, anh ra lấy, nếu "bị tóm" thì các anh chịu phạt. Nó là trên giấy tờ rồi", tiểu thương này nói.

Quyết liệt ngăn chặn

Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Nguyễn Bá Hiển - Trưởng Ban Quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) - cho biết, ban tổ chức lễ hội đã thành lập 5 tiểu ban, 1 trạm kiểm soát vé, 1 tổ kiểm tra liên ngành nhằm kiểm tra, giám sát các hoạt động của lễ hội để bảo đảm diễn ra an toàn, văn minh.

"Trong tổ liên ngành cũng có lực lượng kiểm lâm để kiểm tra, giám sát về nguồn gốc các loại thịt động vật được bày bán. Thịt thú rừng thì từ nhiều năm nay, tại lễ hội chùa Hương đã không còn tình trạng này. Một số năm gần đây, các tiểu thương chỉ bày cái biển giới thiệu, quảng bá để thu hút du khách", ông Nguyễn Bá Hiển cho biết.

Một cửa hàng bày bán thịt nhím, thịt cầy nuôi ở lễ hội chùa Hương 2024. Ảnh: PV Lao Động

Về vấn đề phóng viên Báo Lao Động phản ánh có tiểu thương vẫn nhận ship cầy hương ra bến đò suối Yến, ông Nguyễn Bá Hiển cho biết, nếu phát hiện được hành vi này thì sẽ bị phạt rất nặng theo quy định.

"Tôi nghĩ không phải cầy hương đâu, vì cầy hương thuộc sách đỏ. Nếu mà bị phát hiện thì thậm chí còn bị xử lý hình sự. Người dân cũng đều biết mà, tôi nghĩ họ sẽ không đến mức vì lợi nhuận mà đánh đổi như vậy", ông Nguyễn Bá Hiển nói thêm.

Theo quy định tại Điều 234 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì hành vi buôn bán động vật hoang dã sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn