MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bảo vệ rừng, bảo vệ các loài động vật quý hiếm ở Sơn Trà. Ảnh: Thùy Trang

Không bêtông hóa, con người và thiên nhiên cùng hưởng lợi

Tiến Dũng - Thuỳ Trang LDO | 25/07/2023 08:49

Câu chuyện “nói không” với bêtông hóa ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà như một minh chứng mạnh mẽ của tiếng nói cộng đồng trong giữ gìn, bảo vệ thiên nhiên. Việc phát triển du lịch là cần thiết, tuy nhiên du lịch gắn với bảo tồn và phát triển thiên nhiên sẽ giúp con người và thiên nhiên cùng hưởng lợi.

Đã có sẵn công viên sinh thái tự nhiên

Nằm trên bán đảo Sơn Trà, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà không chỉ là lá phổi xanh của Đà Nẵng mà những năm qua, đây còn là niềm tự hào của người dân thành phố.

Hình ảnh những gia đình "Nữ hoàng linh trưởng" - Voọc chà vá chân nâu đang cư ngụ tại Sơn Trà giờ đây đã in sâu vào tâm thức của nhiều người dân Đà Nẵng và du khách, giới khoa học.

Tương tự, tại Cát Bà, Hải Phòng, sự kỳ vĩ của thiên nhiên được bao bọc trong không gian vườn Quốc gia Cát Bà và những tuyệt tác của vịnh Lan Hạ. Du khách đến với Cát Bà để thưởng thức những gì hoang sơ nhất của cảnh sắc thiên nhiên nơi đây.

Hải Phòng đã rất mạnh tay khi cưỡng chế tháo dỡ các công trình xây dựng vi phạm ở Cát Bà, để bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ nguồn lợi du lịch, đó là cách làm đúng đắn trong phát triển du lịch bền vững của thành phố Cảng, không vì kinh tế mà phá hoại môi trường.

Bà Nguyễn Thị Thương Huyền - Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng - cho biết, với cảnh sắc tuyệt mỹ mà thiên nhiên ban tặng cho Cát Bà, đặc biệt là Vườn Quốc gia với những loài động thực vật quý hiếm, nhiều loài trong sách đỏ và hệ sinh thái biển tuyệt đẹp, đó đã là một lợi thế lớn cho du lịch Hải Phòng phát triển.

“Với du lịch Hải Phòng, chúng tôi luôn xác định, phát triển kinh tế du lịch bền vững phải gắn với bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường” - bà Huyền cho biết.

Hài hòa lợi ích con người và thiên nhiên

Chị Lê Thị Trang - Điều phối chương trình giáo dục bảo tồn của LVDI International tại Việt Nam (một tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam), người từng tham gia trực tiếp trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng để lên tiếng bảo vệ Sơn Trà - cho biết, những khu du lịch đã bị bêtông hóa tại Đà Nẵng cũng như các địa phương khác là bài học nhãn tiền. Người dân không thể hưởng lợi, doanh nghiệp thì “đóng cửa thu tiền”, môi trường bị ô nhiễm, rừng bị sạt lở…

“Sau 5 năm kể từ khi Chính phủ có quyết định thanh tra các hoạt động xây dựng, dự án tại Sơn Trà thì đến nay, khu bảo tồn thiên nhiên - ngôi nhà của loài Voọc chà vá chân nâu vẫn được giữ nguyên.

Thậm chí trong báo cáo mới đây, từ 2.500 ha rừng trong vùng lõi đã tăng lên 3.700 ha.

Cùng trao đổi với Báo Lao Động, ông Phan Đăng Toàn - Bí thư Thị ủy Sa Pa - thừa nhận, hiện trạng Sa Pa vẫn đang còn lộn xộn, chưa được như kỳ vọng. Theo ông Toàn, lý do dẫn đến tình trạng bùng nổ xây dựng là bởi lượng khách đến Sa Pa tăng chóng mặt trong nhiều năm qua.

Năm 2003, Sa Pa chỉ đón hơn 70.000 lượt khách; 10 năm sau, năm 2013, con số là gần 800.000 lượt. Lúc này, do quá thiếu chỗ lưu trú nên du khách thậm chí đã phải ngủ đêm tại các phòng học.

Đến năm 2019 (trước dịch), con số tăng phi mã lên 3,2 triệu lượt, trong khi diện tích trung tâm của Sa Pa vẫn vậy, rất nhỏ.
Mọi thứ phát triển quá nóng, quá nhanh đã dẫn đến sự lộn xộn. Và để lập lại mọi thứ quy củ, cần có thời gian, đó cũng chính là trách nhiệm của chúng tôi”, ông Toàn nói và cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch để du lịch Sa Pa phát triển hài hòa theo hướng hòa nhập nhưng không hòa tan, giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn