MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nên hay không nên hợp thức hóa mại dâm vẫn là câu hỏi lớn.

Không cấm được mại dâm thì nên hợp thức hoá

Đào Bích LDO | 08/04/2018 07:00

“Hiện tượng mại dâm nếu không cấm được thì đã đến lúc chúng ta nghĩ đến giải pháp hợp thức hóa”, nhà văn Nguyễn Văn Thọ bày tỏ quan điểm dưới góc độ của một cây viết.

Nên hay không nên hợp thức hóa mại dâm ở Việt Nam vẫn đang là một đề tài gây ra nhiều tranh cãi.

Chia sẻ với Lao Động, nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho hay, đã đến lúc chúng ta phải nghĩ đến giải pháp hợp thức hóa mại dâm. “Không cấm được thì phải quản lý. Như thế để nâng cao tính quản lý hơn là để thả lỏng. Các nước văn minh trên thế giới đều đã làm điều này. Họ có chế độ chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm, lương và các kiểm soát đối với mại dâm.

“Tôi cho rằng hợp pháp hóa còn hơn là cấm để cho họ hoạt động một cách lén lút, chui lủi. Giống như việc bắt một người ăn cắp và không giáo dục được thì bắt rồi thả ra người ta vẫn là kẻ ăn cắp”, nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho hay.

Thực tế hợp thức hóa mại dâm cũng không phải là việc hay ho gì. Nhưng suy cho cùng mại dâm liên quan đến nhu cầu bản năng của con người.

Không có đất nước nào dùng luật để kiềm chế bản năng được. Mại dâm, ở góc độ đạo đức thì không hay nhưng về bản năng, đây là suy nghĩ nguồn cội của con người. Vì vậy không luật pháp nào có thể thắng bản năng. Kiềm tỏa tự nhiên là trái đạo, không kiềm tỏa được thì tốt nhất là quản lý, hợp thức hóa, hướng đến điều tử tế hơn là để trôi nổi. Mà điều tử tế ở đây là thay vì họ chui lủi bất hợp pháp, quản lí họ, chăm sóc y tế cho họ, đặc biệt cho họ quyền  lao động với những bảo hiểm bảo vệ của xã hội. Họ là con người!

 Nhà văn Nguyễn Văn Thọ.

Tuy nhiên, nhà văn Nguyễn Văn Thọ bày tỏ sự băn khoăn về việc làm thế nào để kiểm soát khi mại dâm đã được hợp thức hóa.

“Đồng ý hợp thức hóa để kiểm soát nhưng kiểm soát như thế nào mới là vấn đề. Nếu không kiểm soát được thì sẽ dẫn đến tình trạng lạm dụng, thậm chí xuất hiện hệ thống mafia trong mại dâm. Ở hệ thống quản lý ở nước ta hiện nay thì điều này lại càng đáng lo ngại”, ông bày tỏ.

Tác giả đặt ra câu hỏi: “Liệu chúng ta có quản lý được không trong điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay. Tôi cho là rất khó. Việc hợp pháp hóa mại dâm dễ đẩy sang tình trạng buôn bán con người, lạm dụng phụ nữ, bé gái. Vì vậy, trong tình hình xã hội Việt Nam hiện nay có thể chưa đủ điều kiện để hợp thức hóa mại dâm, nhưng chủ trương chung về lâu dài là nên. Không thể thả rông mãi được”.

Tác giả tiểu thuyết "Quyên" cũng cho hay, không nên coi mại dâm là tội ác. “Chỉ nên xem tội ác nếu nó biến thành băng đảng. Còn việc hợp pháp hóa là người ta vẫn tiến hành,  đảm bảo cho quyền lợi của người tiêu dùng. Chỉ lấy một ví dụ rất nhỏ thôi, có những đàn ông không có vợ thì họ sẽ giải quyết sinh lý thế nào. Nếu có dịch vụ mại dâm, họ sẽ giải quyết được nhu cầu thay vì có thể xảy ra việc cưỡng hiếp, vi phạm pháp luật. Thực tế, đối với nhiều người phụ nữ hiện nay, họ xem mại dâm là một công việc chứ không phải là phạm trù đạo đức".

"Tôi cũng cho rằng, trong xã hội hiện đại, nếu quy định mại dâm thuộc về đạo đức cũng không còn đúng nữa. Giá trị của nhân văn là giải quyết thế nào cho người ta đỡ đau khổ hơn thôi”, ông nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn