MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngư dân Quảng Trị được mùa cá đầu năm 2020 khi đánh bắt ở ngư trường Cồn Cỏ. Ảnh: Hưng Thơ

Không chấp hành, tàu cá sẽ phải nằm bờ

HƯNG THƠ LDO | 18/03/2020 07:57
Để chống khai thác hải sản bất hợp pháp, tiến tới xóa “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với mặt hàng thủy sản Việt Nam, tỉnh Quảng Trị đã triển khai Nghị định 26/NĐ-CP ngày 8.3.2019 của Chính phủ về việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Dù thời gian phải hoàn thành đã “sát nách”, nhưng hàng trăm chủ tàu cá ở địa phương vẫn chưa có điều kiện để thực hiện.

Cơ sở để truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), Sở NNPTNT đã tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân các quy định của pháp luật liên quan đến chống khai thác IUU, trong đó có việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Ngoài việc tuyên truyền, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra chặt chẽ việc chấp hành đăng ký, đăng kiểm, an toàn hàng hải, sổ thuyền viên của ngư dân trước ra khơi; kịp thời cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá của tỉnh... Đặc biệt, thông qua hệ thống giám sát, các tàu cá khai thác thủy sản trên biển có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đều được giám sát 24/24h, kịp thời cảnh báo cho tàu khi có dấu hiệu vi phạm, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tàu cá hoạt động trên biển.

Theo ông Nguyễn Văn Huân - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị, khi tàu cá lắp hệ thống giám sát theo quy định, lực lượng chức năng có thể phát hiện tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình, từ đó xác định và làm rõ nguyên nhân để khắc phục. Nếu tàu cá có tác động nhằm vô hiệu hóa thiết bị hành trình sẽ bị lập biên bản xử lý. Đặc biệt, khi các tàu cá lắp đặt thiết bị, các cơ quan chức năng sẽ có cơ sở để truy xuất nguồn gốc, cấp giấy chứng nhận sản phẩm khai thác xuất khẩu vào thị trường Châu Âu.

Không được ra khơi nếu không chấp hành

Tại tỉnh Quảng Trị, hiện có 2.298 tàu đánh bắt cá, trong đó tàu có chiều dài trên 24m là 18 chiếc, tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m là 363 chiếc. Sau một thời gian triển khai Nghị định 26/NĐ-CP về việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với khối tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m, hiện số lượng tàu hoàn thành rất khiêm tốn. Cụ thể, 18 tàu cá có chiều dài trên 24m đã được lắp đặt xong máy giám sát hành trình Movimar (tàu có chiều dài trên 24m khi lắp đặt được nhà nước hỗ trợ). Còn tàu từ 15m đến dưới 24m chỉ mới có 55 tàu cá lắp đặt.

Ngư dân tỉnh Quảng Trị nói rằng, kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình từ 20-25 triệu đồng/tàu nên nhiều ngư dân chưa thực hiện ngay được. Mặt khác, họ khó khăn trong việc bố trí thời gian lắp đặt thiết bị do đặc thù đánh bắt.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị - cho hay, để xóa “thẻ vàng” của EC, bắt buộc phải thực hiện quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nói trên. Sau khi lắp đặt và ra khơi, các tàu cá phải tuân thủ các quy định khác như truyền thông tin qua hệ thống vệ tinh. Các tàu cá không tuân thủ quy định này thì mức phạt cao nhất có thể lên đến 800 triệu - 1 tỉ đồng.

Được biết, sau ngày 1.4, các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên nếu chưa lắp đặt máy giám sát hành trình thì các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Trị kiên quyết không cho phép xuất bến ra khai thác thủy sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn