MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phong trào "Không cho đất nghỉ" ở huyện Cực Tây Mường Nhé đã bước đầu phát huy hiệu quả. Ảnh: Diệu Ninh

"Không cho đất nghỉ” ở cực Tây Tổ Quốc

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 09/07/2023 10:38

Huyện Mường Nhé - cực Tây là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên. Vấn đề của Mường Nhé là bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế còn phải gắn với ổn định dân cư và đảm bảo an ninh chính trị...

Không cho đất nghỉ

Nằm cách TP Điện Biên Phủ khoảng 200km, huyện Mường Nhé được thành lập năm 2002 trên cơ sở tách ra từ huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu cũ). Ngoài địa hình chia cắt, nằm xa trung tâm, mạng lưới giao thông chưa hoàn thiện, huyện Mường Nhé còn phải đối diện với trực trạng thiếu đất sản xuất.

Hơn 20 năm thành lập, đến nay Mường Nhé vẫn là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Điện Biên, thường xuyên phải đối phó với tình trạng phá rừng làm nương và di cư tự do.

Trước thực trạng đó, đầu năm 2023, huyện Mường Nhé đã phát động phong trào “Không cho đất nghỉ”. Đây là phong trào không những để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng mà còn góp phần làm thay đổi nhận thức trong các tầng lớp nhân dân.

Theo đó, đối với việc sản xuất lương thực, canh tác trên đất đồi dốc, trên nương rẫy được triển khai theo hướng nông nghiệp bền vững, xen canh, luân canh tăng vụ. Từ đó góp phần cải thiện năng suất và tăng hiệu quả mô hình chuyển đổi đất chuyên lúa sang luân canh lúa - màu thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

Nhiều diện tích lúa 1 vụ đã được chuyển sang trồng 2 vụ. Ảnh: Diệu Ninh

Trao đổi với Lao Động, ông Bùi Minh Hải - Bí thư Huyện ủy Mường Nhé cho biết, việc thiếu đất sản suất đối với người dân Mường Nhé là một thực trạng diễn ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, bên cạnh đó lại có rất nhiều diện tích đất vẫn bị người dân bỏ hoang hoặc chỉ trồng lúa 1 vụ dẫn đến chưa phát huy hết được giá trị.

Theo ông Bùi Minh Hải, khi phát động phong trào “Không cho đất nghỉ” huyện Mường Nhé đặt mục tiêu giúp người dân thay đổi tư duy, phát huy hiệu quả từ quỹ đất hiện có. Bên cạnh đó, diện tích lúa 1 vụ cũng được cải tạo, đầu tư để trồng lúa 2 vụ hoặc xen canh 1 vụ lúa, một vụ màu.

“Khi người dân phát huy được hiệu quả từ mảnh đất của mình, thu nhập được nâng lên thì sẽ giải quyết được bài toán phá rừng làm nương và di cư tự do dẫn đến những nguy cơ tiềm ẩn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội – đó là mục tiêu lớn nhất của phong trào không cho đất nghỉ” – Bí thư Huyện ủy Mường Nhé cho hay.

Những diệt tích đất hoang hóa được cải tạo để trồng các loại cây hoa màu phù hợp. Ảnh: Diệu Ninh

Hiệu quả từ một phong trào

Trước đây, người dân chủ yếu sản xuất lúa nước một vụ và tra hạt trên nương thì đến nay tại nhiều xã, người dân đã dần thay đổi tư duy làm nông nghiệp, cải tạo diện tích lúa nước để sản xuất 2 vụ hoặc trồng cây hoa màu. Nhiều diện tích trước đây bị bỏ hoang người dân cũng cải tạo để trồng các loại cây phù hợp như: Cây sắn, cây lạc, khoai hay bí xanh…

Ông Nguyễn Văn Hưng – Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết, trước đây do thiếu nước sản xuất nên nhiều người dân chỉ sản xuất lúa 1 vụ. Do vậy, huyện Mường Nhé đã đầu tư một số hệ thống kênh mương thủy lợi, cùng sự tuyên truyền, vận động tích cực của chính quyền địa phương nên nhiều nơi, người dân đã bắt đầu chuyển sang canh tác lúa 2 vụ.

“Khi phát động phong trào không cho đất nghỉ, chúng tôi xác định vấn đề khó khăn nhất là khiến người dân thay đổi tư duy làm kinh tế. Do nhận thức chưa đầy đủ nên nhiều người dân còn có tư tưởng chỉ trồng 1 vụ lúa để đủ ăn cho gia đình. Đến nay, nhiều người dân đã bắt đầu thay đổi và triển khai nhiều mô hình thâm canh hiệu quả” – Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho hay.

Được đầu tư và cải tạo hệ thống kênh mương thủy lợi, nhiều diện tích đất đã phát huy hiệu quả. Ảnh: Diệu Ninh

Theo ông Nguyễn Văn Thắng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé, với sự hỗ trợ từ nhiều nguồn vốn, ngành nông nghiệp huyện đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân, như: Cải tạo, mở rộng diện tích lúa nước, hỗ trợ kỹ thuật chuyển đổi cây trồng để người dân không để đất hoang.

Ngoài ra, huyện Mường Nhé cũng đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như: Chuyển đổi 1.000ha đất trồng lúa nương sang trồng ngô, chuyển 2.000ha đất nương luân canh sang trồng cây quế. Cùng với đó là rà soát hiện trạng các công trình thủy lợi để sửa chữa, nâng cấp đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ cho sản xuất.

Có thể thấy phong trào “Không cho đất nghỉ” tại huyện Mường Nhé với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền đã từng bước giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy làm nông nghiệp. Từ đó, nhiều diện tích đất đã được huyển đổi mô hình thâm canh và phát huy hiệu quả, góp phần ổn định, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của người dân vùng cực Tây vốn còn nhiều khó khăn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn