MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trồng sâm Ngọc Linh trên đỉnh Phja Oắc. Ảnh: Tân Văn.

Không có chuyện phá rừng lấy chỗ trồng sâm Ngọc Linh trên đỉnh Phja Oắc

An Trịnh LDO | 10/09/2023 11:56

Cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng khẳng định, không có chuyện phá rừng để trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh trên Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén.

Thời gian qua, xuất hiện thông tin việc trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh tại khu vực Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén đã có tác động tiêu cực, thậm chí có tình trạng phá rừng để lấy chỗ trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu. Chúng tôi đã vào cuộc để tìm hiểu về vấn đề này.

Được biết, việc trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh tại khu vực này bắt đầu từ tháng 12.2020 đến nay. Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) tỉnh Cao Bằng đặt hàng Viện nghiên cứu Lâm sinh thực hiện, tổng kinh phí (1 tỉ 870 triệu đồng) do Quỹ phát triển KHCN tỉnh Cao Bằng cấp.

Một phần những bản hợp đồng của việc trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh trên đỉnh Phja Oắc (Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén). Ảnh: Tân Văn

Theo phản ánh của người dân, khu vực trồng thử nghiệm sâm có xảy ra hiện tượng phá rừng, xây những căn nhà kiên cố trên đất rừng, mang những giống cây bên ngoài (ngoại lai) vào khu vực Vườn Quốc gia... "Theo quy định tất cả những việc làm này đều bị cấm" - nội dung phản ánh nêu.

Liên quan đến những thông tin này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Linh Quang Đà - Trưởng phòng Quản lý khoa học (Sở KHCN tỉnh Cao Bằng).

Đơn thư phản ánh của người dân. Ảnh: Tân Văn

Ông Đà cho biết, tất cả hoạt động trồng thử nghiệm sâm đều thực hiện dưới tán rừng và có lưới che nên không phải chặt hạ cây cối, càng không có chuyện phá hay tác động nguy hại đến khu vực Vườn Quốc gia.

Về những công trình kiên cố (nhà ở) được xây dựng tại khu vực Km4, đường lên đỉnh Phja Oắc, theo ông Đà, công trình này đã có từ trước và thuộc quản lý của UBND huyện Nguyên Bình.

"Đây là một chốt trạm của huyện Nguyên Bình cũng như đơn vị quản lý Vườn Quốc gia. Họ làm nhà lấy chỗ ở để tiện việc tuần tra, ngăn chặn tình trạng khai thác quặng, khoáng sản trái phép bên trong.

Trạm kiểm soát phòng chống khai thác, trộm cắp tài nguyên vườn quốc gia, đây cũng là nơi những người nuôi trồng theo dõi, bảo vệ sâm cùng ở. Ảnh: Tân Văn

Khi các nhân viên thực hiện nuôi trồng thử nghiệm, theo dõi và bảo vệ sâm cũng vào đó ở nhờ luôn" - ông Linh Quang Đà nói.

Sâm Ngọc Linh là loại sâm quý được tìm thấy tại miền Trung Trung Bộ, mọc tập trung ở các huyện miền núi Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum; huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Những năm gần đây, sâm Ngọc Linh mang lại giá trị kinh tế rất cao, nếu làm tốt loài cây này có thể trở thành cây trồng giúp xoá đói, giảm nghèo cho bà con. Vì lẽ đó nhiều tỉnh thành miền núi có khí hậu, độ cao phù hợp đang nhân rộng, thử nghiệm nuôi trồng giống cây quý này.

Khu vực Phja Oắc - Phja Đén của Cao Bằng có độ cao trung bình trên 1.000m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ.

Khu vực nuôi trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu trên đỉnh Phja Oắc. Ảnh: Tân Văn

Sau nhiều lần khảo sát, Sở KHCN cùng các cơ quan chuyên môn đã chọn nơi đây làm nơi trồng thử nghiệm.

Thông tin từ vị Trưởng phòng Quản lý khoa học, vào các mùa khác sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu sinh trưởng rất tốt, tuy nhiên vào mùa đông, khu vực này dễ xảy ra hiện tượng băng giá. Do băng giá nên các loại sâm bị ảnh hưởng, cây lụi lá, không sinh trưởng được bình thường.

"Tất cả những vấn đề này Sở đã lường trước nên để thử sức chống chịu của cây sâm đến đâu. Sau 2 mùa đông cây sâm Ngọc Linh không thể sinh trưởng nên chúng tôi quyết định hạ độ cao chuyển xuống khu vực xã Ca Thành. Tại đây chỉ sâm Lai Châu phát triển tốt, còn Ngọc Linh không còn phù hợp" - Trưởng phòng Quản ký khoa học (Sở KHCN tỉnh Cao Bằng) nói.

Được biết, diện tích trồng thử nghiệm ban đầu lấy khoảng 600m2 (2000 giống sâm các loại) diện tích Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén. Đến nay việc thử nghiệm này đang tiếp tục diễn ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn