MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu du lịch tham quan ban ngày (tàu tiếng) đưa du khách tham quan hòn Trống Mái. Ảnh: Nguyễn Hùng

Không có quy định nào cấm nấu ăn phục vụ du khách trên tàu vịnh Hạ Long

Nguyễn Hùng LDO | 17/05/2023 09:52

Quảng Ninh - Trước những lo lắng của các chủ tàu du lịch tham quan vịnh Hạ Long ban ngày (tàu tiếng) về việc có thể cấm nấu ăn phục vụ du khách trên tàu du lịch, đại diện cơ quan đăng kiểm khẳng định không có quy định nào cấm dịch vụ đó.

Hiện, trên vịnh Hạ Long có 3 loại tàu phục vụ du khách, gồm: tàu lưu trú qua đêm, tàu nhà hàng và tàu tham quan ban ngày (hay còn gọi là tàu tiếng – thuê theo tiếng).

Theo Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh, các loại tàu này đều do Chi cục Đăng kiểm 15, thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam duyệt đăng kiểm do hầu hết các loại tàu phục vụ du lịch trên vịnh Hạ Long có máy lớn hơn 135 mã lực.

Trong khi đó, các loại tàu tiếng hiện nay đều được đóng theo 3 mẫu thiết kế đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt, có sự chấp thuận của cơ quan đăng kiểm. Đặc biệt, cả 3 loại này đều có thiết kế bếp và phòng ăn.

Trước những ồn ào về việc có thể không được tiếp tục nấu ăn phục vụ du khách trên tàu tiếng, đại diện Chi cục Đăng kiểm 15 khẳng định, không có quy định nào cấm việc nấu ăn và ăn uống trên tàu tiếng.

Tàu tiếng đưa du khách ghé tham quan hang Thiên Cung - Đầu Gỗ. Ảnh: Nguyễn Hùng

Tuy nhiên, nếu các tàu lưu trú, tàu tiếng muốn chuyển sang là tàu nhà hàng thì phải trình duyệt thiết kế hoán cải theo đúng tiêu chuẩn của tàu nhà hàng.

Bởi, ngoài một số tiêu chí khác thì tàu nhà hàng thường phục vụ cùng một lúc nhiều du khách, nên quy định về két nước chứa nước thải sinh hoạt cũng thường lớn hơn các loại tàu tiếng, tàu lưu trú.

“Nếu cứ để là tàu tiếng, không đổi sang là tàu nhà hàng thì cứ hoạt động bình thường như lâu nay” – đại diện Chi cục đăng kiểm 15 cho biết.

Như Báo Lao Động đã thông tin, các chủ của khoảng 300 tàu tiếng vịnh Hạ Long lo lắng sau khi UBND tỉnh Quảng Ninh có công văn giao các đơn vị liên quan “Làm rõ các quy định, loại hình kinh doanh không được hoạt động trên tàu tham quan du lịch (kinh doanh nấu ăn phục vụ du khách, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng cháy chữa cháy,...).

Theo Chi hội Tàu du lịch Hạ Long, với ý này thì chỉ các tàu nhà hàng, tàu lưu trú qua đêm trên vịnh Hạ Long mới được tổ chức nấu ăn phục vụ du khách trên tàu; còn các tàu tiếng không còn cơ hội.

Trong khi đó, trong nhiều năm qua, khách du lịch khi tới tham quan vịnh Hạ Long luôn có nhu cầu được thưởng thức các món ăn Hạ Long trên hành trình tham quan. Đó thật sự là một dịch vụ gia tăng thu hút khách du lịch đến với vịnh Hạ Long, góp phần làm đa dạng các sản phẩm dịch vụ, đáp ứng tốt nhu cầu của du khách.

Mặt khác, trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các tàu tham quan không chỉ được vận chuyên phục vụ khách du lịch mà còn được kinh doanh dịch vụ ăn uống trên tàu.

Hơn nữa, theo các chủ tàu, đại diện các công ty du lịch, tổ chức ăn uống cho du khách ngay trên tàu còn tiết kiệm rất nhiều thời gian cho du khách, bởi thời gian tàu từ các điểm tham quan trên vịnh Hạ Long trở về bờ cũng vừa vặn với thời gian một bữa ăn.

Hầu hết khách đoàn đều đặt ăn trên tàu tiếng, để khi cập bờ là có thể lên xe về ngay hoặc đi tham quan các điểm du lịch khác, thay vì mất thời gian vào các quan ăn.

Hiện, mỗi tour tham quan vịnh Hạ Long thường kéo dài từ 4-6 tiếng; nếu không tiếp tục cho ăn uống trên tàu thì du khách phải lên tàu rất sớm để có thể trở về bờ cho kịp bữa ăn. Tuy nhiên, theo các chủ tàu du lịch, các khung giờ mà du khách thường lựa chọn bắt đầu lên tàu đi tham quan vịnh Hạ Long là từ 8-9h, thậm chí 10h.

Vì thế, nếu không được cho nấu ăn phục vụ ngay trên tàu thì du khách phải nhịn đói, chờ về nhà hàng trên bờ. 

Về ý kiến đề xuất cung cấp cơm hộp, đồ ăn nhanh cho du khách trên tàu, các chủ tàu, đại diện các công ty lữ hành và đặc biệt là du khách cho rằng, không nên làm giảm tính cạnh tranh của du lịch vịnh Hạ Long trong khi quy định không cấm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn