MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ y tế ở Đắk Lắk hướng dẫn người dân diệt lăng quăng, bọ gậy phòng bệnh Viêm não Nhật Bản. Ảnh: Quang Nhật

Không để bùng phát bệnh viêm não Nhật Bản ở Đắk Lắk

BẢO TRUNG LDO | 27/06/2023 09:43

Đắk Lắk ghi nhận 2 ca mắc viêm não Nhật Bản  trong vòng 1 tuần, ngay lập tức, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật yêu cầu lực lượng y tế các địa phương kịp thời phát hiện những trường hợp mắc bệnh để triển khai khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan trong cộng đồng.

Ngày 27.6, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk thông tin, chỉ trong vòng hơn 1 tuần địa phương đã xuất hiện 2 ca mắc viêm não Nhật Bản. Đơn vị đã yêu cầu Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tiến hành giám sát bệnh nhân tại bệnh viện, ổ dịch cũ và vùng có nguy cơ, kịp thời phát hiện những trường hợp mắc bệnh để triển khai khoanh vùng nhằm xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan trong cộng đồng.

Ngoài ra, lực lượng chức năng phải tổ chức triển khai và duy trì thường xuyên chiến dịch vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại gia súc, loại trừ lăng quăng, bọ gậy trên diện rộng.

Đặc biệt, lực lượng y tế phải tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản đảm bảo an toàn, chất lượng và đạt tỷ lệ theo quy định. Đối với những trẻ đã tiêm đủ các mũi trong chương trình tiêm chủng mở rộng cần tư vấn để gia đình tiếp tục đưa trẻ đi tiêm nhắc lại định kỳ cho đến khi đủ 15 tuổi.

Ông Hoàng Hải Phúc - Phó Giám đốc Phụ trách CDC Đắk Lắk - cho hay, bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền. Bệnh xuất hiện quanh năm và thường có xu hướng tăng cao vào các tháng mùa hè, thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi.

Lợn và chim là những ổ chứa vi rút viêm não Nhật Bản. Muỗi là trung gian truyền bệnh hút máu động vật có chứa vi rút rồi truyền cho người khi đốt. Muỗi thường đẻ trứng ở ruộng, kênh, mương và hay trú đậu ở các chuồng gia súc.

Biểu hiện chính của bệnh như sốt cao từ 38 - 39 độ C, nhức đầu, buồn nôn và nôn. Trẻ mất ngủ, quấy khóc, vật vã, mê sảng hoặc ly bì, co giật, tăng trương lực cơ, rối loạn thần kinh thực vật (da lúc đỏ lúc xám, vã mồ hôi, mạch nhanh).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn