MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thiếu cát, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang chậm tiến độ khoảng 6 tháng. Ảnh: Tạ Quang

Không để cao tốc Cần Thơ - Cà Mau chậm tiến độ do thiếu cát

ĐẠT PHAN LDO | 02/02/2024 10:14

Theo Bộ GTVT, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau được khởi công từ ngày 1.1.2023.

Sau hơn 1 năm triển khai, sản lượng thi công được 3.816 tỉ đồng/18.812 tỉ đồng, đạt 20,3% giá trị hợp đồng, chậm so với tiến độ khoảng 6 tháng, chủ yếu do thiếu vật liệu cát đắp đường.

Tổng nhu cầu cát cho dự án là 18,46 triệu m3 là rất lớn, trong khi đó, nguồn vật liệu cát trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khan hiếm do cùng lúc triển khai nhiều dự án.

Để giải quyết tình trạng thiếu cát, ngày 11.5.2023, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 175/TB-VPCP thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương ưu tiên bố trí nguồn cát cho dự án. Trong đó, tỉnh An Giang là 7 triệu m3 (năm 2023 là 3,3 triệu m3), Đồng Tháp là 7 triệu m3 (năm 2023 là 3,3 triệu m3), Vĩnh Long là 5 triệu m3 (năm 2023 là 2,5 triệu m3).

Tại buổi làm việc với tỉnh Đồng Tháp về tình hình cung ứng cát cho dự án cao tốc Bắc Nam, đoạn Cần Thơ - Cà Mau mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của Đồng Tháp trong việc thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ về việc điều phối nguồn vật liệu san lấp phục vụ thi công cho các dự án giao thông trọng điểm.

Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn cát khan hiếm như hiện nay, để đáp ứng nhu cầu vật liệu cát đắp nền và hoàn thành mục tiêu cơ bản dự án vào năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị tỉnh Đồng tháp nghiên cứu phương án nâng công suất khai thác tối đa của thiết bị, phương tiện; hỗ trợ thêm nguồn cát để triển khai công trình.

Đối với tỉnh Đồng Tháp, thực hiện Thông báo số 175 của Văn phòng Chính phủ, đến nay tỉnh này đã xác định được nguồn cung cho dự án đủ 7 triệu m3 từ nguồn tăng công suất và cấp mới 7 mỏ cát cho nhà thầu khai thác.

Hiện nhà thầu đang khai thác 5 mỏ và dự kiến đầu tháng 2.2024 đưa vào khai thác 2 mỏ còn lại.

Trao đổi tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, tỉnh đã phối hợp với các bộ tiến hành rà soát, xác định rõ trữ lượng, khả năng khai thác của các mỏ nên việc tăng công suất là rất khó thực hiện.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đánh giá lại trữ lượng của từng mỏ cát để có sự điều chỉnh trữ lượng khai thác phù hợp. Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng cho biết, nhiều năm qua, nguồn cát tái tạo trên sông Tiền và sông Hậu là rất ít, nên về lâu dài, để giải quyết bài toán về cát, cần nghiên cứu thêm nguồn khác để sử dụng hợp lý tại các công trình.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong, tỉnh giữ quan điểm đáp ứng đủ nhu cầu cát Trung ương giao, nhưng việc khai thác phải đảm bảo vấn đề môi trường.

Vì vậy, về các đề nghị của Bộ GTVT, tỉnh sẽ xem xét, đánh giá khả năng thực hiện trong điều kiện cho phép, trong đó, tỉnh sẽ hoàn thành sớm các đánh giá tác động môi trường và có báo cáo tiếp theo cho Bộ GTVT. Riêng việc cấp thêm mỏ mới là không khả thi, vì thời gian làm thủ tục sẽ không kịp tiến độ gia tải của dự án.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn