MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngày 28.6, hướng đi từ Nguyễn Trãi qua Tây Sơn xảy ra ùn tắc kéo dài, dòng xe đông cứng ngay tại điểm dẫn lên cầu vượt Ngã Tư Sở. Ảnh: Đ.H

Không để giao thông ở Hà Nội thông chỗ này, tắc chỗ kia

PHẠM ĐÔNG - THU HIỀN LDO | 29/06/2022 09:07

Hà Nội đã và đang có hàng loạt điều chỉnh, tổ chức giao thông trên các tuyến đường trục chính nội đô chịu áp lực cao. Trong hơn 1 tuần đầu thí điểm tổ chức lại giao thông ở 5 nút giao thường xuyên gây ùn tắc, tình hình giao thông đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, lực lượng CSGT Hà Nội và một số chuyên gia cho rằng, cần tránh tình trạng thông chỗ này, tắc chỗ kia. 

Tổ chức lại giao thông, các nút giao dễ thở hơn

Ghi nhận của Lao Động trong 2 ngày 27-28.6 cho thấy, khu vực nút giao Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh - Trần Duy Hưng; nút giao Hoàng Minh Giám - Hoàng Ngân - Nguyễn Thị Thập; nút giao Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh… tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên các tuyến này đã được cải thiện.

Sau hơn 1 tuần thí điểm phân luồng, khu vực Ngã Tư Sở đã trở nên thông thoáng nhưng hướng đi từ đường Láng, Nguyễn Trãi qua Tây Sơn lại ùn dài, dòng xe nhích từng mét.

Tương tự, tình hình giao thông tại các nút giao Nguyễn Chánh - Trần Duy Hưng, Hoàng Ngân - Nguyễn Thị Thập cũng đã được cải thiện đáng kể, tình trạng ùn tắc không còn diễn ra quá phức tạp sau hơn 1 tuần tổ chức lại giao thông.

Cũng với giải pháp đóng nút đi thẳng hoặc rẽ trái, phải để quay đầu bằng điểm mở ở dải phân cách nằm cách xa nút giao thông 200 đến 300 mét, Sở GTVT Hà Nội cũng tổ chức lại giao thông tại các nút Hoàng Minh Giám - Trần Duy Hưng; Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thị Thập; Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh.

Đối với nút giao Hoàng Minh Giám - Hoàng Ngân, tổ chức một chiều cho các phương tiện lưu thông trên đường Hoàng Ngân, đồng thời tổ chức lưu thông một chiều trên đường Nguyễn Thị Thập. Nút giao Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh - Trần Duy Hưng sẽ tổ chức cấm phương tiện rẽ trái, quay đầu trên đường Trần Duy Hưng. Các phương tiện đi thẳng qua nút này và quay đầu tại điểm gần nút giao Trần Duy Hưng - Khuất Duy Tiến.

Với nút giao Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh, cấm các phương tiện rẽ trái từ Tố Hữu vào Vũ Trọng Khánh. Các phương tiện sẽ đi thẳng và quay đầu tại điểm mở cách 300m theo hướng Tố Hữu đi Vạn Phúc.

Tránh thông chỗ này, tắc chỗ kia

Trao đổi với Lao Động, ông Hoàng Văn Thìn, cán bộ Thanh tra giao thông quận Cầu Giấy cho biết, tại nút Hoàng Minh Giám chỉ xảy ra ùn ứ nhẹ vào giờ cao điểm, đường thông thoáng hơn so với trước.

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo, Sở GTVT sẽ họp với các đơn vị chuyên môn để tổ chức đánh giá, đưa ra phương án cho thời gian tiếp theo. Sau 1 tuần thực hiện tổ chức lại giao thông, tình hình giao thông tại các nút giao và các khu vực lân cận đã cải thiện đáng kể.

Trung tá Đặng Mạnh Hùng, Đội phó Đội CSGT số 3 - Phòng CSGT - CAHN cho hay: “Lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tại nút giao Ngã Tư Sở thấy rằng, cần phải kiến nghị Sở GTVT điều chỉnh lại phương án tổ chức giao thông trên theo hướng: Điều chỉnh cả các nhịp đèn trong đó có tăng thời gian đèn xanh cho chiều Trường Chinh - Láng và ngược lại, để tăng khả năng thông thoát xe khi chiều Tây Sơn - Nguyễn Trãi đã bịt lại”.

Thiếu tá Trần Quang Chinh - Phó Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 6 - Phòng CSGT - CAHN cho biết, từ khi tổ chức lại giao thông nút Nguyễn Chánh - Trần Duy Hưng, hình ảnh các dòng xe nối dài chậm chạp nhích từng chút đã không còn xuất hiện. Đặc biệt cả hai hướng qua hầm chui Trung Hoà đã hết ùn tắc, giờ cao điểm xe cộ lưu thông tốt.

Có thể thấy, việc điều chỉnh tổ chức giao thông tại một số vị trí xung yếu đã mang lại hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, cũng cần phải chú ý, việc tổ chức giao thông lại không để tình trạng "thông chỗ này, tắc chỗ kia".

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, phương án tổ chức giao thông mới đây của Hà Nội không mới, thực chất là giải pháp bịt ngã ba, ngã tư đã từng thực hiện nhiều năm trước. Do đó, cần xem xét, thử nghiệm kỹ lưỡng trước khi đưa vào triển khai trên diện rộng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn