MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công trình mở rộng lưới điện trung hạ áp tỉnh Hà Nam. Ảnh: EVN

Không để mùa khô "khát điện"

Cường Ngô LDO | 22/03/2024 10:16

Năm ngoái, thiếu điện xảy ra tại miền Bắc trong nửa cuối tháng 5, đầu tháng 6 đã để lại nhiều ảnh hưởng trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Một số khu công nghiệp thời điểm đó cắt điện có báo trước, với tần suất 1-2 lần/tuần. Mùa khô năm nay, nỗi lo thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng lại thường trực khiến doanh nghiệp, người dân lo lắng.

Nỗi lo thiếu điện mùa khô năm 2024

Ông Phạm Thanh Tùng, lãnh đạo Công ty TNHH Lavie lo lắng, thiếu điện sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, ông cho rằng, thời gian qua, công ty ông thường xuyên bảo dưỡng các thiết bị để tránh thất thoát điện năng.

"Để tiết kiệm điện, tại công ty chúng tôi, hệ thống chiếu sáng công cộng đã mở trễ hơn 30 phút và tắt sớm hơn 30 phút so với trước kia. Đến tháng sau thì sẽ mở trễ và tắt sớm hơn 1 tiếng, còn hệ thống quảng cáo tắt sau 22h đêm", ông Tùng nói.

Trong cuộc họp gần đây với Bộ Công Thương, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện tỉnh còn 520ha đất công nghiệp, sẵn sàng đầy đủ hạ tầng nhưng hạ tầng về điện chưa đáp ứng. Đất có, hạ tầng có nhưng chưa có điện.

Đơn cử, Khu công nghiệp Nam Bắc Tiên Phong mới có 50 MW, trong khi nhu cầu của các doanh nghiệp tại đây lên tới vài trăm MW để sản xuất, kinh doanh. Hay trạm biến áp tại Khu công nghiệp Hải Hà Móng Cái đã sử dụng hết công suất, nên cần được nâng cấp.

“Việc tăng năng lực cung ứng điện cho các khu công nghiệp hiện rất cấp bách, nên đề nghị bộ quan tâm.

Số liệu từ Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cũng cho thấy, những tháng đầu năm 2024, có những thời điểm, công suất tiêu thụ cực đại trong tuần đạt hơn 43.000 MW - cao nhất từ trước đến nay và lớn hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (giai đoạn từ đầu năm 2023 đến 10.3.2023 đạt 38.753 MW).

Có ba nhóm nguồn năng lượng chính đối với hệ thống điện quốc gia là thủy điện, nhiệt điện và năng lượng tái tạo. Thế nhưng, từ đầu năm, phần lớn các hồ thủy điện khu vực miền Bắc có lưu lượng nước về thấp, chỉ đạt khoảng 25-96% trung bình nhiều năm.
Các hồ thủy điện ở miền Trung và miền Nam cũng diễn biến tương tự.

Tại miền Trung, có tới 19/27 hồ có lượng nước về chỉ đạt 17-94% trung bình nhiều năm; còn miền Nam, ngoại trừ Đồng Nai 2, Hàm Thuận và Đa Nhim, thì các hồ thủy điện còn lại đều có lượng nước về chỉ đạt 29-70% trung bình nhiều năm.

Đây là lý do các nhà máy thủy điện phải hạn chế phát để chuẩn bị cho cung ứng điện mùa khô, và phục vụ sản xuất.

Mùa khô năm 2024, cung ứng điện cho miền Bắc gặp nhiều khó khăn. Ảnh: EVN

Giải pháp nào giải tỏa áp lực cung ứng điện?

Trước lo lắng của doanh nghiệp, trao đổi với Lao Động, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - cho biết, tập đoàn này sẽ tăng huy động các nguồn điện giá cao và năng lượng tái tạo để "năm nay không thiếu điện".

Thủy điện, nhiệt điện và năng lượng tái tạo là ba nguồn điện chính của hệ thống điện quốc gia. Theo số liệu của EVN, huy động các nguồn này trong tháng 1 chiếm khoảng 90% sản lượng điện toàn hệ thống. Trong đó, điện than là 12,7 tỉ kWh, tương đương 53%.

Theo ông Lâm, năm nay EVN sẽ tăng mua từ nhiệt điện khoảng 145% so với 2023.

"Chúng tôi phải huy động nguồn điện đắt tiền là nhiệt điện vào đầu mùa khô, để đảm bảo cung ứng cho sinh hoạt, sản xuất", Phó tổng EVN nói.

Ngoài ra, tập đoàn này cũng huy động tối đa nguồn năng lượng tái tạo. Theo đó, sản lượng mua tăng từ điện gió sẽ 25% và điện mặt trời 19% so với năm ngoái.

Ông Nguyễn Thế Hữu - Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, cơ quan này cùng EVN đưa ra nhiều phương án, gồm kịch bản cung ứng khi nhu cầu tiêu dùng điện ở mức cao. Ngành điện cũng đẩy nhanh xây dựng các tuyến truyền tải điện, đường dây 500 kV mạch 3 kéo điện ra miền Bắc.

Ngoài huy động tối đa các nguồn trong nước, Bộ Công Thương, EVN kêu gọi doanh nghiệp và người dân tiết kiệm điện.

Năm nay tăng trưởng điện lớn, nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, do đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng điện.

Đối với việc huy động các nguồn điện, ông Hữu thông tin, các nhà máy đã tích đầy nước để chuẩn bị cho mùa khô, không chỉ sản xuất điện mà phục vụ nước cho sản xuất. Còn đối với các nhà máy nhiệt điện, nhà máy tuabin khí, theo ông Hữu, các đơn vị đã rà soát về nhiên liệu, hệ thống để xử lý ngay các sự cố. Bên cạnh đó, việc bám sát vận hành các nhà máy điện được theo dõi, xử lý sát sao.

Ngoài ra, ông Hữu cho biết thêm, ngành điện cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến truyền tải điện, đường dây 500kV, đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt.

Năm nay là năm nắng nóng, cực hạn

Ông Nguyễn Quốc Trung - Phó Giám đốc Trung tâm điều độ điện quốc gia cho biết, năm nay là năm nắng nóng, cực hạn. Hiện nền nhiệt toàn quốc duy trì mức cao, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện khách hàng tăng cao. Ngành điện đã triển khai hành loạt các giải pháp trong thời gian qua như lưu trữ nguồn nước trong các hồ thủy điện, các nhà máy lớn, đảm bảo duy trì năng lượng cho toàn quốc.

Đối với nhà máy điện đảm bảo duy trì nguồn điện, cung ứng đủ cho các nhà máy. Trong năm qua đã đi từng nhà máy để nắm tình hình của các nhà máy điện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đối với hệ thống truyền tải điện, luôn kiểm tra thường xuyên, từ Nam ra Bắc, đảm bảo cung ứng điện quốc gia trong thời gian tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn