MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thông tin giả mạo Bộ Y tế cho rằng COVID-19 là một loại vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ... đang lan tràn trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Không để tin giả hoành hành giữa mùa dịch

ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 27/07/2021 07:27

Tình trạng lan truyền tin giả về dịch COVID-19 vẫn ngày càng gia tăng, gây hoang mang trong dư luận và làm phức tạp hơn tình hình. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc xử lý, phản bác các thông tin xấu độc, sai sự thật, không để công tác phòng chống dịch bị ảnh hưởng.

Mạo danh cơ quan chức năng

Nhiều bộ, ngành từ trung ương tới địa phương đang chung tay, căng mình chống lại những diễn biến của dịch COVID-19, thì hàng loạt tin giả về dịch bệnh vẫn được lan truyền, gây tâm trạng hoang mang cho người dân, làm phức tạp hơn tình hình. Thậm chí có những trường hợp còn mạo danh cơ quan chức năng để truyền tin giả.

Mới đây, trên mạng xã hội đã xuất hiện thông tin về một đoạn tin nhắn được cho là của Bộ Y tế cung cấp thông tin về một nghiên cứu từ Singapore, cho rằng COVID-19 là một loại vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ gây ra đông máu và làm chết người. Nội dung tin nhắn nói rằng, đây là nghiên cứu của các nhà khoa học Singapore sau khi tiến hành khám nghiệm tử thi của các bệnh nhân tử vong do COVID-19. Không những thế, tin nhắn còn khẳng định có thể điều trị COVID-19 bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chống đông máu.

Ngày 15.7, Bộ Y tế đã phải lên tiếng khẳng định đây là thông tin sai sự thật. Bộ Y tế không đưa ra thông tin và khuyến cáo như vậy.

Sau đó vài ngày, mạng xã hội lại tiếp tục chia sẻ rất mạnh những hình ảnh với thông tin là xác chết của các bệnh nhân COVID-19 tại TP.Hồ Chí Minh, gây hoang mang cho người dân.

Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã xác minh vụ việc từ các cơ quan chức năng TPHCM và truyền thông xã hội nước ngoài. Kết quả cho thấy, những bức ảnh trên được chụp tại bệnh viện Myawaddy, thị trấn ở đông nam Myanmar.

Một vụ việc khác cũng đến từ mạng xã hội, khi người dùng chia sẻ về hình ảnh một người ở TPHCM "tự thiêu" và bình luận nguyên nhân là do "phẫn uất với cách chống dịch COVID-19". Qua xác minh từ Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM và UBND phường sở tại cho thấy thông tin trên là hoàn toàn sai sự thật. Công an TPHCM đã phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông giám định tài liệu, nội dung mà cơ quan công an thu giữ được của đối tượng để tiến hành xem xét khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với người tung tin giả trên theo quy định pháp luật.

Theo ông Từ Lương - Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TPHCM, trong những ngày gần đây, lợi dụng không gian mạng, một số đối tượng đã chủ động, cố tình tung tin xuyên tạc, kích động gây chia rẽ chính quyền nhân dân, xuyên tạc vô căn cứ ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và nhà nước, ảnh hưởng uy tín TPHCM và đặc biệt là công tác phòng, chống dịch.

Truyền thông chính thống cần đẩy mạnh

Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Lê Ngọc Sơn - chuyên gia nghiên cứu truyền thông và quản trị khủng hoảng, từ Đức - cho biết, hiện tượng tin giả lan truyền trên mạng không chỉ là chuyện đau đầu ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới.

Theo ông Lê Ngọc Sơn, để hạn chế và chống tin giả, Việt Nam cần bộ máy truyền thông chính phủ mạnh, có kỹ thuật, kỹ năng tốt để có thể cung cấp ngay lập tức những thông tin khẩn cấp cho người dân, giúp họ tránh bị điều hướng bởi thông tin giả, độc hại.

Ông Sơn dẫn chứng, tại Đức cũng đã có luật phạt tù với người tung tin giả gây nguy hại lớn cho cộng đồng. Bên cạnh đó, các mạng xã hội như Facebook, Twitter cũng đã thành lập liên minh chống tin giả. Theo luật Đức, sau khi có phản ánh tin giả, ngay lập tức nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội phải có phản ứng, nếu phản ứng chậm có thể bị phạt 500.000 Euro cho một tin giả.

"Facebook đã phải thỏa hiệp với một số nước Châu Âu. Ở Đức, Facebook thỏa hiệp với Chính phủ để có thể xây dựng một đơn vị độc lập thứ ba nhằm kiểm chứng về sự xác tín của thông tin. Bên thứ ba được mời để kiểm chứng thông tin là những đơn vị cung cấp thông tin uy tín như Hãng tin AP, Đài ABC News" - ông Sơn cho biết.

Ngày 23.7, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản về việc tăng cường kỷ luật truyền thông bám sát theo chủ trương của Nghị quyết 78/NQ-CP (ngày 20.7) của Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, các cơ quan báo chí cần chú trọng thông tin, tuyên truyền về mục tiêu phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân; tăng liều lượng, tần suất thông tin về các kết quả tích cực, các mô hình tốt, sự chung tay của cả cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, về cách phòng, tránh và các biện pháp phòng, chống lây chéo trong cộng đồng theo hướng dẫn của ngành Y tế và Ban Chỉ đạo Quốc gia với mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là trên hết, trước hết.

Nội dung, cách thức thông tin theo hướng xây dựng, tạo niềm tin, lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội, tuyệt đối không để suy diễn, gây hoang mang, phân tâm trong nhân dân; chủ động phát hiện, tích cực đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc, tin giả, bịa đặt, xuyên tạc, sai sự thật, thông tin gây hoang mang trên không gian mạng và trên báo chí về tình hình dịch bệnh. Bảo đảm qua công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, huy động, cổ vũ toàn dân đoàn kết, tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn