MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiêm vaccine COVID-19 cho công nhân ở Bắc Giang. Nguồn: Bộ Y tế

Không hoàn thành tiêm vaccine COVID-19: Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

Lệ Hà LDO | 25/06/2021 08:54

Theo báo cáo nhanh kết quả tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 hằng ngày của Dự án tiêm chủng mở rộng Quốc gia (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của một số tỉnh, thành phố còn chậm (dưới 40%).

9 tỉnh, thành tiêm chủng chậm

Bộ Y tế tiến hành phân bổ đợt 6 vaccine COVID-19 cho 10 tỉnh, thành và đơn vị gồm Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu, Hà Giang và Viện kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế.

Hiện có 9 tỉnh, thành có tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 chậm là: Nam Định, Cao Bằng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Tiền Giang, Lâm Đồng, Cần Thơ và Kiên Giang.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ triển khai, tăng tỉ lệ tiêm chủng, tập trung nguồn lực để triển khai tiêm chủng các đợt tiếp theo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã có văn bản hoả tốc đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai tiêm chủng ngay số vaccine được cấp. Nếu đơn vị nào không hoàn thành kế hoạch tiêm chủng vaccine theo chỉ đạo thì lãnh đạo các đơn vị phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Thủ tướng Chính phủ.

Vaccine vẫn là vũ khí hữu hiệu giúp phòng ngừa COVID-19

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêm vaccine COVID-19 giúp sinh ra miễn dịch hiệu quả hơn miễn dịch khi mắc bệnh. Tiêm vaccine giúp giảm nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong khi mắc COVID-19. Những người từng mắc COVID-19 có thể không đạt đủ miễn dịch. Tiêm vaccine giúp cơ thể sinh ra miễn dịch chống lại COVID-19 mạnh hơn. Hiệu lực của vaccine đạt được sau khi tiêm 2-3 tuần. Nếu người tiêm vaccine loại 2 liều, miễn dịch đầy đủ chỉ đạt được sau khi tiêm mũi vaccine thứ hai từ 2-3 tuần.

TS-BS Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - cho biết, vaccine không đem lại sự bảo vệ tức thì. Sau tiêm mũi 1 phải ít nhất 14 ngày sau mới bước đầu có tác dụng và mức bảo vệ sau tiêm mũi 1 chỉ đạt ở mức bảo vệ rất thấp. Sau tiêm mũi thứ 2 từ 1 tháng trở ra thì vaccine mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60%-90% tùy theo loại vaccine.

Vaccine COVID -19 không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng bảo vệ cơ thể không mang mầm bệnh. Điều này có nghĩa là khi đã tiêm vaccine, chúng ta có thể không mắc COVID-19, nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác.

Tuy nhiên, khi cảnh báo nguy cơ này, TS Thái cũng đồng thời đưa ra kết quả nghiên cứu cụ thể những ca nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương hay ở Điện Biên trước đây, cũng có những trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 khi đã được tiêm vaccine COVID-19. Kết quả cho thấy, khả năng lây nhiễm thứ cấp từ những người này hầu như không có, tỉ lệ lây truyền virus là rất thấp.

Dù hiệu lực của vaccine không phải 100% nhưng theo các chuyên gia đây vẫn là vũ khí hữu hiệu giúp phòng ngừa COVID-19 và tiến tới tạo miễn dịch cho cộng đồng.

Nghiên cứu ban đầu ở Việt Nam cho thấy, những người đã khỏi COVID-19 có tỉ lệ miễn dịch vô cùng thấp. Đó là do virus SARS-CoV-2 có những protein gây cản trở việc sinh kháng thể, vì vậy dù nhiễm bệnh rồi nhưng cơ thể có tạo ra kháng thể hay không là chưa chắc chắn. Trong khi đó, nghiên cứu tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương gần đây, tình hình lại rất khả quan đối với những người tiêm vaccine: Chỉ sau khi tiêm mũi thứ nhất 1 tháng, 90% số người tiêm đã sinh kháng thể. Kết quả này chỉ ra vaccine đã có hiệu quả bảo vệ, mặc dù có thể chưa đủ mạnh. Đây là lý do phải tiêm mũi 2 để đạt hiệu quả cao nhất.

Việt Nam sẽ nhận thêm 13 triệu liều vaccine COVID-19 trong tháng 7 và 8. Bộ Y tế dự kiến từ nay đến quý III/2021 sẽ tiêm hết cho nhóm đối tượng nguy cơ cao và lực lượng tham gia sản xuất.

Đến nay, Việt Nam mới nhận tổng cộng gần 4,5 triệu liều vaccine, trong đó có gần 2,5 triệu liều do Covax hỗ trợ, hơn 400.000 liều đặt mua thông qua VNVC, 1 triệu liều do Nhật Bản tặng và 500.000 liều do Trung Quốc gửi tặng. Tuy nhiên đến nay, tốc độ tiêm chủng tại Việt Nam khá chậm, mới đạt hơn 2,56 triệu liều. L.H

Đổi tên Chương trình “Triệu liều vaccine cho công nhân nghèo” thành “Vaccine cho công nhân”

Với mong muốn toàn bộ người dân Việt Nam, đặc biệt công nhân, người lao động nghèo được tiêm vaccine phòng COVID-19, quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động đã phát động Chương trình “Triệu liều Vaccine cho công nhân nghèo” từ ngày 23.5.

Ngày 2.6.2021, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã họp và quyết định đổi tên Chương trình“Triệu liều vaccine cho công nhân nghèo” thành “Vaccine cho công nhân” nhằm thu hút sự quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội nhất là công nhân viên chức lao động và các cấp công đoàn đối với việc đóng góp kinh phí mua vaccine phòng COVID-19 cho công nhân lao động; đồng thời tạo thuận lợi cho việc thanh quyết toán kinh phí.

Toàn bộ kinh phí ủng hộ chương trình sẽ được chuyển tới Quỹ vaccine phòng COVID-19 để mua vaccine, tiêm cho công nhân trên toàn quốc.

Chương trình mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức trên mọi miền của tổ quốc

Mọi sự giúp đỡ, hỗ trợ chương trình “Vaccine cho công nhân” xin gửi về Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động bằng một trong các hình thức sau đây:

  1. Liên hệ trực tiếp Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng:

    Số 51 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    Điện thoại: 024.39232756 - 024.39232748.
    Hoặc các Văn phòng đại diện Báo Lao Động trên toàn quốc.

  2. Chuyển khoản về tài khoản của Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng:

    • STK: 113000000758 - Ngân hàng Vietinbank, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    • STK: 0021000303088 - Ngân hàng Vietcombank, chi nhánh Hà Nội.
    • STK: 12410001122556 - Ngân hàng BIDV, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    • STK: 1005755579 - tại SHB, chi nhánh Hà Nội.
    • Số tài khoản USD: 115000196228 - Ngân hàng Vietinbank, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    Nội dung chuyển khoản: Hỗ trợ vaccine

  3. Hỗ trợ qua Ví Momo:

    - Mở Ví Momo .
    - Chọn chương trình “Mỗi ngày một nghìn” .
    - Thực hiện theo hướng dẫn.
    - Nội dung lời nhắn: Hỗ trợ vaccine.

  4. Hoặc hỗ trợ trực tuyến: Bằng cách bấm vào nút ỦNG HỘ NGAY bên dưới.

.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn