MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Không lương hưu, lao động tự do tìm cách ứng phó khi tuổi về già

Tùng Giang LDO | 20/06/2023 14:28

Hiện nay, nhiều người lao động, trong đó phần lớn là lao động phi chính thức (lao động tự do) không mặn mà tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), đặc biệt với BHXH tự nguyện. Hay thậm chí có trường hợp dù từng tham gia BHXH nhưng lựa chọn rút một lần mà không tích lũy để có lương hưu cho tuổi về già.

Lao động tự do “ngại” tham gia mạng lưới an sinh

Bà L.T.H (sinh năm 1957, trú tại Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) mở một quán nước ngay tại căn hộ của gia đình và đã làm công việc này hơn 10 năm nay. Trước đây, bà H. từng là nhân viên tại một xí nghiệp chuyên sản xuất thực phẩm và được hưởng chế độ BHXH. Tuy nhiên, do mất sức lao động, bà đã xin nghỉ làm để về làm nghề tự do và không tiếp tục tham gia BHXH mà lựa chọn rút chế độ này một lần.

Theo bà H, thay vì phải chờ đợi đến tuổi nghỉ hưu thì khoản tiền này phù hợp và rút được nhanh chóng để có vốn liếng làm ăn trong giai đoạn khó khăn.

Bà L.T.H lựa chọn rút BHXH một lần thay vì tích lũy để có lương hưu tuổi già. Ảnh: Đinh Thiện

“Tôi lựa chọn nhận một cục để có tiền làm kinh doanh và trang trải cuộc sống, sau này tích lũy dần rồi đem tiền gửi ngân hàng, khoản sinh lời đó cũng là một dạng lương hưu theo quan điểm của cá nhân tôi”, bà H. nói.

Ngoài ra, khi đã nghỉ việc tại đơn vị sản xuất, việc cố gắng tiếp tục tham gia BHXH theo hình thức tự nguyện sẽ khiến người lao động thêm gánh nặng vì bản chất họ không dư dả và kinh tế chỉ đủ để duy trì cuộc sống sinh hoạt cơ bản của cả gia đình.

Tương tự, bà Đỗ Thị Thủy (quê Nam Định) dù đã qua tuổi 60 nhưng hằng ngày vẫn miệt mài rong ruổi trên khắp các ngõ phố Thủ đô để mưu sinh bằng nghề bán hoa quả tươi.

Tuổi ngày càng cao và sức khỏe yếu dần, nhưng bà Thủy gần như không dám nghỉ buổi chợ nào vì lo tương lai không có lương hưu, không có chế độ để hưởng an sinh xã hội.

“Bán hoa quả mỗi ngày lời lãi cũng chỉ được chừng từ 300 – 400.000 đồng. Trong số đó, tôi phải trích một phần để trang trải phí sinh hoạt hằng ngày, một phần tích lũy cho sau này nhưng không đáng kể. Không còn cách nào để gia tăng thu nhập, nên tôi chỉ có thể miệt mài làm việc mà không dám nghỉ ngày nào”, bà Thủy than thở.

Không tham gia BHXH, không lương hưu, bà Thủy dù hơn 60 tuổi vẫn miệt mài trên khắp các ngõ phố để mưu sinh.

Khi hỏi về lý do vì sao không tham gia BHXH tự nguyện để hưởng chế độ an sinh phù hợp, bà Thủy cho biết, trước đây bản thân có tìm hiểu và mong muốn tham gia, nhưng vì thời gian đóng BHXH kéo dài, sau khi đóng đủ năm phải chờ đến đủ tuổi để được nhận lương hưu. Tự soi chiếu bản thân thấy không phù hợp nên bà Thủy đành ngậm ngùi chấp nhận "đứng ngoài" gói an sinh.

Ngoài ra, một phần nguyên nhân khác đến từ lý do tài chính cá nhân không thể chi trả cho khoản thêm này, do đó bà chỉ còn cách lao động mỗi ngày để tích lũy khoản tiền ít ỏi.

Cơ hội cho người tham gia muộn, không liên tục vào hệ thống an sinh

Đây chỉ là số ít trong rất nhiều trường hợp người lao động phi chính thức không tham gia vào mạng lới an sinh xã hội. Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, hiện nay, cả nước có tổng số gần 18 triệu lao động phi chính thức, trong đó chỉ 0,2% được đóng bảo hiểm bắt buộc, 1,9% đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, còn lại 97,9% không tham gia loại bảo hiểm nào.

Điều này dẫn đến tình trạng lọt lưới an sinh ở phần không nhỏ người lao động, đồng nghĩa với việc họ phải chịu rất nhiều thiệt thòi vì không được bảo vệ đầy đủ với hệ thống pháp luật về lao động.

Chia sẻ với báo chí về giải pháp trước thực trạng này, ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐTBXH cho hay, ngoài yếu tố cần thiết từ chính sách, thu nhập cho người lao động thì mục tiêu cần là nâng cao nhận thức của người lao động phi chính thức. Khuyến khích chủ sử dụng lao động ký kết hợp đồng lao động với người lao động và để người lao động ý thức được vị thế của mình.

Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát thực hiện việc đóng BHXH tại cơ sở, doanh nghiệp; có chế tài xử lý mạnh hơn về việc trốn đóng BHXH. Giải pháp căn cơ là phải tăng cường đào tạo tay nghề, để người lao động tham gia thị trường lao động bền vững.

Ngoài ra, để chính sách này hấp dẫn hơn, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các cơ quan chức năng đề xuất mở rộng, bổ sung chế độ, tăng quyền lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện để thu hút lao động phi chính thức.

Trong đó, đề xuất rút ngắn thời gian đóng BHXH (giảm từ 20 năm xuống 15 năm) nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục nên có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn