MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các phụ huynh lo lắng trong vụ ngộ độc tập thể tại trường Kim Giang. Ảnh: Thiều Trang

Không thể buông lỏng quản lý về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm

Trang Linh LDO | 30/03/2023 08:14

Tính đến trưa ngày 29.3, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Hà Nội ghi nhận tổng cộng 73 học sinh ngộ độc nhập viện do thức ăn tại buổi dã ngoại của trường Tiểu học Kim Giang (Hà Nội). Điều đáng nói vụ ngộ độc này xảy ra ngay sau khi Bộ Giáo dục Đào tạo có công văn gửi các Sở Giáo dục Đào tạo về tăng cường biện pháp an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục và Thành ủy Hà Nội mới ban hành Chương trình hành động số 26 - CTr/TU thực hiện Chỉ thị số 17 - CT/TƯ của Ban Bí thư về “Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.

Nhiều khả năng do thức ăn nhiễm vi khuẩn có độc tố

Theo thông tin từ trường Tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội), ​vào khoảng 6h45 ngày 28.3, nhà trường tổ chức cho 915 học sinh khối 1 và khối 2 đi tham quan ở Nông trại Giáo dục Cánh Buồm Xanh, địa chỉ tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Đồ ăn trưa cho học sinh được nấu tại trường và vận chuyển đến địa điểm trải nghiệm. Món ăn gồm: Cơm rang, gà phi lê chiên xù, khoai tây chiên, canh chua nấu thịt, bánh Oreo Kinh Đô. Thời gian ăn trưa lúc 11h00 trong ngày. 

Trong quá trình đi trải nghiệm, học sinh có mang theo đồ ăn vặt, nước uống từ nhà đi và sử dụng nước uống đóng chai 19L của trang trại Cánh Buồm Xanh. Thời gian học sinh từ trang trại về trường lúc 14h30. Về đến trường, một số học sinh có biểu hiện đau bụng, nôn, 2 cháu có biểu hiện đi ngoài phân lỏng 2-3 lần.

Theo thông tin từ Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm Hà Nội, tính đến trưa ngày 29.3.2023, có 73 học sinh Trường Tiểu học Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) có các biểu hiện ngộ độc phải vào viện cấp cứu và điều trị. Trong số đó, 58 cháu đã được ra viện, hiện còn 15 cháu đang điều trị tại các cơ sở y tế.

Vụ ngộ độc khiến phụ huynh học sinh rất lo lắng. Ông Phạm Văn Đạt - một phụ huynh có con bị ngộ độc cho biết: “Chúng tôi mong muốn nhà trường kiểm soát tốt hơn thức ăn đầu vào để đảm bảo sức khỏe cho các cháu”.

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai nói với Lao Động: Hiện vẫn chưa khẳng định chắc chắn nguyên nhân của vụ ngộ độc nhưng nhiều khả năng do thức ăn nhiễm vị khuẩn có độc tố.
Các học sinh Trường tiểu học Kim Giang nhập viện. Ảnh: Minh Ánh - Thuỳ Linh

Cần làm rõ trách nhiệm

Vào tháng 11.2022, vụ ngộ độc thực phẩm tại trường Ischool Nha Trang (Khánh Hoà) đã có hơn 650 em bị ngộ độc sau bữa ăn trưa bán trú, gồm cơm gà, xốt trứng, gỏi gà (gà xé, cà rốt, bắp sú, rau răm), cánh gà chiên, canh (xương, cà rốt, cải thảo), dưa leo. Nhiều giờ sau bữa ăn, hàng loạt học sinh đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, sốt được đưa vào các bệnh viện cấp cứu. Trong số nạn nhân có một nam sinh 6 tuổi đã tử vong.

Theo kết quả mà Viện Pasteur Nha Trang công bố, đã phát hiện vi khuẩn Salmonella trong mẫu cánh gà chiên, vi khuẩn Bacillus cerus trong mẫu cánh gà chiên và mẫu nước mắm. Chủng Bacillus cerus trong hai mẫu trên là chủng sinh độc tố ly giải hồng cầu và độc tố ruột không ly giải hồng cầu. Ngoài ra, vi khuẩn Escherichia coli cũng được phát hiện trong mẫu cánh gà chiên.

Vụ việc đã gióng hồi chuông về vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhà trường. Cơ quan công an Khánh Hòa đã tiến hành khởi tố vụ án về “Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” là phù hợp theo đúng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 317 Bộ luật hình sự 2015.

Chỉ thị số 17 - CT/TƯ ngày 21.10.2022 của Ban Bí thư về "Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” nêu rõ: “An ninh, an toàn thực phẩm là vấn đề hệ trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài; tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhân dân, chất lượng giống nòi dân tộc”.

Chỉ thị 17 cũng yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm cao nhất về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn do mình phụ trách.

Ngày 13.3.2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn gửi các Sở GDĐT về tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp quản lý về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng vừa ban hành Chương trình hành động số 26 - CTr/TU thực hiện Chỉ thị số 17 - CT/TƯ ngày 21.10.2022 của Ban Bí thư về "Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. 

Theo đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm cao nhất về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn do mình phụ trách.

Chương trình này hướng đến mục tiêu nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tăng cường nguồn lực, năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước; nâng cao nhận thức, hiểu biết của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và thực hành về an ninh, an toàn thực phẩm; nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc bảo đảm chất lượng, an ninh, an toàn thực phẩm; phòng, chống có hiệu quả ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm, chủ động xử lý kịp thời khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn; kiểm soát tốt an ninh, an toàn thực phẩm, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao sức khỏe người dân, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.

Vụ ngộ độc của hơn 70 học sinh trường tiểu học Kim Giang xảy ra khi Trung ương ban hành Chỉ thị 17, Bộ GDĐT ban hành văn bản tới các sở GDĐT và Thành ủy Hà Nội đưa ra Chương trình hành động về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn, có thể nói, là  thêm một minh chứng cho việc buông lỏng quản lý về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục...

Cần xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm để không còn thêm những nỗi lo về an toàn thực phẩm trong nhà trường nói riêng và xã hội nói chung.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn