MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường cao tốc Bắc - Nam.

Không thể trì hoãn đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Đặng Tiến LDO | 15/01/2020 15:10

Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam được đầu tư xây dựng sẽ nâng cao năng lực vận tải, kết nối kinh tế vùng miền và cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời giải quyết những hạn chế mà các tuyến quốc lộ, đặc biệt Quốc lộ 1 không thể khắc phục.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, hệ thống kết cấu hạ tầng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cũng thừa nhận, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉ lệ các công trình hiện đại (như hệ thống đường cao tốc) còn thấp so với các nước trong khu vực và được xác định là điểm nghẽn của quá trình phát triển.

Hành lang vận tải Bắc-Nam kết nối trung tâm chính trị của thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, đi qua 32 tỉnh, thành phố và kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.

Tính riêng đoạn Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh đi qua địa phận 20 tỉnh/thành phố, vận tải Bắc-Nam tác động đến 45% dân số, đóng góp 52% tổng sản phẩm trong nước, ảnh hưởng đến 75% các cảng biển loại 1-2 và 67% các khu kinh tế của cả nước và đặc biệt là kết nối 3 vùng kinh tế trọng điểm. Như vậy, có thể nói đây là hành lang vận tải quan trọng nhất, có tính lan tỏa nhất, rất cần thiết phải ưu tiên đầu tư để tạo động lực phát triển kinh tế.

Theo nghiên cứu của các tổ chức tư vấn trong nước và quốc tế, dự báo đến năm 2020 nhu cầu hành khách, hàng hóa trên hành lang vận tải Bắc-Nam là 45,3 triệu hành khách/năm và 62,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Nếu không xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông hoặc đường sắt tốc độ cao thì nhu cầu vận tải trên hành lang này sẽ vượt quá so với tổng năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện tại khoảng 5,9 triệu hành khách/năm và 14,5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Đặc biệt đối với một số đoạn có nhu cầu vận tải rất lớn như Cao Bồ (Nam Định)-Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Dầu Giây (Đồng Nai)-Nha Trang (Khánh Hòa)... hiện tại nhu cầu vận tải đã vượt quá khả năng đáp ứng của tuyến Quốc lộ 1 song hành. Trong khi đường sắt tốc độ cao chưa thể triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định việc đầu tư ngay một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 là không thể trì hoãn.

Cùng đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng cho rằng, Quốc lộ 1 có những hạn chế, tốc độ lưu thông chưa cao, thường xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông do đi qua nhiều khu vực đông dân cư. Theo thống kê, chiều dài Quốc lộ 1 qua khu vực đông dân cư chiếm khoảng 48,7%, tốc độ khai thác trung bình chỉ đạt khoảng 40-60km/giờ; thành phần giao thông hỗn hợp, tỉ lệ xe máy cao (môtô, xe máy là loại phương tiện chủ yếu trong các vụ tai nạn, chiếm 70%), đặc biệt các đoạn qua khu vực dân cư, đô thị; các nút giao chủ yếu là giao cùng mức” - báo cáo trả lời của Bộ này nêu rõ.

Với đặc điểm như trên, việc đầu tư mở rộng Quốc lộ 1 mặc dù đã mang lại hiệu quả rõ rệt, tuy nhiên một số đoạn có nhu cầu vận tải lớn đến nay đã vượt quá khả năng đáp ứng, cần thiết đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông, đáp ứng các tiêu chí năng lực vận tải lớn, tốc độ cao, an toàn, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn