MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tầng một các dãy nhà tại khu tập thể Nghĩa Tân chủ yếu được các hộ dân cho thuê hoặc buôn bán kinh doanh. Ảnh: Ngọc Thùy

Khu tập thể Nghĩa Tân quy hoạch lại, người mong ngóng từng ngày, người lo đến mất ngủ

Tùng Giang LDO | 11/09/2023 15:54

Khu tập thể Nghĩa Tân - với những dãy nhà san sát có hàng nghìn dân đang sinh sống - là cụm dân cư đông đúc, tấp nập bậc nhất tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Phần lớn các hộ dân đồng tình khi biết tin nơi đây được lập quy hoạch tổng thể để xây dựng lại, nhưng cũng có những người lo lắng khi sinh kế có thể bị ảnh hưởng.

Người thoát cảnh ở xập xệ, người lo mất sinh kế

Tại khu tập thể Nghĩa Tân, dưới chân các dãy nhà cũ đã lộ nhiều dấu hiệu xuống cấp là những cửa tiệm kinh doanh, sạp hàng buôn bán hay các hàng quán ẩm thực lúc nào cũng đông đúc người ra vào.

Mấy ngày nay, thông tin khu vực này được lập quy hoạch chi tiết để xây dựng lại, trở thành chủ đề nóng được người dân bàn tán xôn xao.

Theo chị Lê Hảo (tiểu thương buôn bán tại chợ dân sinh khu tập thể Nghĩa Tân), việc quy hoạch này sẽ làm ảnh hưởng đến nhiều hộ dân và những người đang làm ăn buôn bán tại đây.

“Chúng tôi vẫn tự hỏi nhau rằng, tương lai khu Nghĩa Tân quy hoạch lại liệu có còn chợ dân sinh hay không? Cả gia đình tôi 5 người đều trông chờ vào quầy hàng bán thực phẩm này. Ở đây cũng có những hộ chỉ sống dựa vào nguồn thu nhập từ việc cho thuê mặt bằng tầng một để kinh doanh”.

Chợ dân sinh phủ khắp các ngõ ngách khu tập thể Nghĩa Tân. Ảnh: Ngọc Thùy

Còn chị Đỗ Thị Hoa, người đang cho thuê 3 ki-ốt liền nhau tại một dãy nhà tập thể khu Nghĩa Tân chia sẻ, thu nhập chính của chị từ làm dịch vụ cắt tóc và cho thuê một phần cửa hàng.

“Cửa hàng này là do tôi thuê trực tiếp từ chủ nhà, sau đó chia thành 3 gian sát vách, một gian để làm ăn và 2 gian còn lại đem cho thuê tiếp. Công việc mang lại nguồn thu nhập ổn định nhưng cả gia đình vẫn lo lắng mất ăn, mất ngủ vì sợ làm ăn không bền do có thông tin quy hoạch”, chị Hoa than thở.

Theo các hộ dân tại đây, việc thành phố lập quy hoạch xây dựng lại khu Nghĩa Tân đã có chủ trương từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa rõ ràng, cụ thể.

Bà Trần Thị Minh (khu tập thể Nghĩa Tân) kể lại, trước đây có vài lần cơ quan chức năng xuống khảo sát hiện trạng khu vực, tiến hành đo đạc và lấy ý kiến người dân, nhưng đa phần các hộ tầng một không đồng tình ủng hộ mà chỉ có các hộ tầng trên mong muốn dự án sớm được triển khai.

Bà Trần Thị Minh chia sẻ với Lao Động. Ảnh: Ngọc Thùy

Bà Minh lý giải, các hộ tầng một làm ăn, buôn bán rất sôi động. Khu vực này có những quán ăn thường xuyên trong cảnh khách đứng xếp hàng chờ tới lượt và nhiều hộ sử dụng nhà để cho thuê hoặc tự kinh doanh mà không phải để ở. Việc làm ăn diễn ra thuận lợi nên không gia đình nào ở tầng một lại mong muốn rời đi.

Trong khi đó, các hộ tầng trên chủ yếu là những người có tuổi, sống nhờ lương hưu và nhận chu cấp của con cháu. Họ sống trong những gian nhà đã xuống cấp, bị thấm dột và cơi nới chuồng cọp để mở rộng không gian. Nếu quy hoạch lại, những hộ này sẽ có cơ hội được sống và sinh hoạt trong một không gian khang trang hơn nên các hộ này đa số nhất trí, đồng tình.

“Điều quan trọng là sự đồng thuận từ các hộ tầng một”

Đồng tình với quan điểm trên, nhiều người dân khu tập thể Nghĩa Tân cũng chia sẻ, họ mong muốn được tái định cư tại chỗ. Bởi, khu vực này có môi trường sinh kế tốt, giao thông thuận tiện và hạ tầng xã hội hoàn thiện.

Trước những băn khoăn của người dân khu tập thể Nghĩa Tân, trao đổi với Lao Động, đại diện Hội KTS Hà Nội cho biết, thực tế, tại các khu tập thể cũ trong diện quy hoạch, cải tạo hay xây dựng lại đa phần đối tượng đồng ý thuộc các hộ tầng trên. Tuy nhiên, các trường hợp này có vai trò quyết định không lớn, mà chủ yếu phụ thuộc vào sự đồng ý hay không đồng ý của chính các hộ tầng một.

Khu Nghĩa Tân đông đúc dân cư, buôn bán sôi động.

“Qua các cuộc khảo sát trước đây tại Nghĩa Tân có thể thấy rằng, hầu như các hộ tầng một đều chưa đồng thuận, nhất trí. Việc đưa ra những phương án phối cảnh, bản thiết kế khai thác khu vực này để khả thi thì điều quan trọng nhất là sự đồng thuận từ các hộ dân tầng một.

Nhu cầu của người dân hiện nay cao, do vậy, các cơ quan liên quan khi thực hiện nên xem xét đặt nhu cầu, lợi ích người dân trong tâm thế hài hòa lợi ích các bên để hướng đến lợi ích chung của xã hội”, đại diện Hội KTS Hà Nội nêu rõ.

Nói về công tác di dời, bàn giao mặt bằng và cải tạo nhà tập thể, chung cư cũ tại Hà Nội, PGS-TS-KTS Nguyễn Quang Minh (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng, mấu chốt trong việc cải tạo chung cư cũ là phải hài hòa lợi ích của nhà nước - người dân - nhà đầu tư.

Các phương án, lộ trình cải tạo cần phải minh bạch, rõ ràng để người dân yên tâm khi di chuyển khỏi nơi mình đã ở, gắn bó nhiều năm. Sau khi cải tạo xong thì việc tái định cư phải tại chỗ chứ không phải tại một địa điểm khác.

Cùng với đó, cần có chính sách thu hút nhà đầu tư để họ cải tạo chung cư cũ nát, trở thành những khu vực khang trang, sạch đẹp, đảm bảo mỹ quan đô thị và an toàn cho người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn