MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ùn tắc giao thông trên đường Trần Quốc Hoàn hướng ra vòng xoay Lăng Cha Cả. Ảnh: Minh Quân

Khu vực Tân Sơn Nhất kẹt xe triền miên, dự án giải cứu triển khai ì ạch

MINH QUÂN LDO | 14/12/2023 19:30

TPHCM - Các tuyến đường Trường Chinh, Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Trần Quốc Hoàn… quanh sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) là nỗi ám ảnh của người đi đường vì tình trạng kẹt xe. Tuy nhiên, nhiều dự án trọng điểm giảm kẹt xe cho khu vực này lại triển khai rất ì ạch.

Dự án 4.800 tỉ đồng chậm tiến độ

Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là một trong những nơi tình hình giao thông phức tạp nhất ở TPHCM nhiều năm qua. Ngoài sân bay lớn nhất nước đón bình quân hơn 30 triệu khách mỗi năm, nơi này còn là cửa ngõ kết nối khu trung tâm với các quận Tân Bình, Tân Phú, 12, Gò Vấp...

Mỗi ngày, xe luôn dày đặc ở các đường Trường Chinh, Cộng Hòa, Trường Sơn, Hoàng Hoa Thám… Trong đó, đường Cộng Hòa đang chịu áp lực giao thông rất lớn, vượt 150% khả năng phục vụ so với các tiêu chuẩn khi thiết kế xây dựng.

Đường Cộng Hòa là con đường quá tải nhất TPHCM. Ảnh: Minh Quân

Trước yêu cầu cấp bách giải quyết ùn tắc cho khu vực, năm 2016, TPHCM lên kế hoạch triển khai loạt dự án quanh Tân Sơn Nhất.

Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (quận Tân Bình) được xem là cửa ngõ thứ hai ra vào sân bay Tân Sơn Nhất, công trình đã được HĐND TPHCM quyết định chủ trương đầu tư vào năm 2016, quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỉ đồng.

Nhưng cuối tháng 8.2018, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất tới năm 2030, trong đó xác định xây thêm nhà ga T3.

Từ đó, dự án trên được điều chỉnh lên 6 làn xe, rộng 25-48m, tổng vốn hơn 4.800 tỉ đồng. Dự án cũng xây 2 hầm chui nút giao Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn (dài 42 m, 2 làn xe) và nút giao Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý (dài 35 m, 2 làn xe); làm một cầu vượt trước ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, dài gần 1 km cho 4 làn xe.

Dự án hầm chui Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện. Ảnh: Anh Tú

Dự án được khởi công cuối năm 2022 và triển khai thi công hầm chui đầu tuyến tại nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện từ ngày 6.2, các hạng mục khác đã triển khai thi công từ ngày 30.9.

TPHCM đặt mục tiêu hoàn thành dự án vào tháng 9.2024 để phù hợp tiến độ hoàn thành nhà ga T3. Nhưng sau một năm khởi công, dự án mới đạt khoảng 10% khối lượng. Năm 2023, dự án được phân bổ 2.000 tỉ đồng, nhưng mới giải ngân được 334 tỉ đồng (đạt gần 17%). Nguyên nhân do bàn giao mặt bằng chậm, không đồng bộ ảnh hướng đến tiến độ thi công.

Loạt dự án “bất động” nhiều năm

Dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa, dài gần 800m, mặt đường rộng 8-10m được mở rộng lên 22m. Dự án được phê duyệt tháng 10.2016 với tổng mức đầu tư 255 tỉ đồng và hiện đội vốn lên gần 291 tỉ đồng do phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng.

Theo Sở GTVT TPHCM, hiện dự án chưa triển khai thi công do tiến độ điều chỉnh chủ trương đầu tư kéo dài và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ở địa phương chưa thực hiện xong.

UBND quận Tân Bình đã vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng cho dự án, đến nay đã có 130/152 trường hợp hộ dân đồng thuận và đồng ý nhận tiền để bàn giao mặt bằng.

Dự kiến, dự án hoàn thành giải phóng mặt bằng cuối năm nay, khởi công quý I/2024 và hoàn thành trong năm 2025.

Đường Cộng Hòa thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm. Ảnh: Minh Quân

Ngoài ra, hai dự án giải quyết ùn tắc giao thông khu vực phía Bắc sân bay Tân Sơn Nhất là mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý (từ đường Lê Trọng Tấn đến Cộng Hòa) và dự án mở rộng đường Trường Chinh (từ Cộng Hòa đến Âu Cơ) cũng bế tắc từ nhiều năm nay.

Trong đó, dự án mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý dài 363 m, rộng 30m, cho 6 làn xe với tổng mức đầu tư 670 tỉ đồng. Còn dự án mở rộng đường Trường Chinh dài 904 m, rộng 60m, cho 10-12 làn xe lưu thông với 2.011 tỉ đồng.

Năm 2005, TPHCM đã lập dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng hai tuyến đường trên với dự kiến kinh phí đầu tư khoảng 500-600 tỉ đồng, nhưng do nguồn vốn hạn hẹp nên dự án đình trệ đến nay và kéo theo tổng mức đầu tư tăng lên.

Ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho biết, hai dự án trên vẫn đang ở bước triển khai lập chủ trương đầu tư. Ban Giao thông cũng đang phối hợp với Sở GTVT để đẩy nhanh thủ tục, triển khai hai dự án này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn