MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trạm xử lý nước thải cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá có công suất 2000 m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư trên 47 tỉ đồng đến nay đã vận hành thử nghiệm. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Khu xử lý nước thải, chất thải làng nghề Mẫn Xá chậm vì thiếu mặt bằng

Vân Trường LDO | 26/10/2023 22:07

Bắc Ninh - Là phương án duy nhất để xử lý ô nhiễm tại làng nghề Mẫn Xá nhưng đến nay, khu xử lý nước thải, chất thải làng nghề vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai xây dựng vì công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) vô cùng phức tạp, nan giải.

Nan giải công tác giải phóng mặt bằng

Cụm công nghiệp (CCN) làng nghề Mẫn Xá được UBND tỉnh Bắc Ninh trao quyết định thành lập vào tháng 8.2016 với tổng diện tích 26,5 ha, nằm trên địa bàn thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong. Dự án có tổng mức đầu tư đến nay là trên 665 tỉ đồng.

Đến nay, các hạng mục xây dựng trong cụm công nghiệp này đã cơ bản hoàn thiện, có 86 hộ cá thể và doanh nghiệp đăng ký thuê đất và đang sản xuất kinh doanh trong cụm.

Dù các hộ cá thể và doanh nghiệp đã vào cụm công nghiệp sản xuất được một thời gian nhưng đến nay, cụm công nghiệp mới hoàn thiện xong khu xử lý nước thải và đưa vào vận hành thử nghiệm.

Lý do là bởi khó khăn trong công tác GPMB.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, đại diện chủ đầu tư cụm công nghiệp là Tập đoàn Hanaka cho biết, quy hoạch trạm xử lý nước thải tại cụm có diện tích là 3,1 ha. Tuy vậy, đến nay, mới có mặt bằng sạch cho 1,1 ha.

2 ha còn lại dù đã có quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng nhưng người dân chưa nhận tiền, mặc dù đã được tuyên truyền, vận động nhiều lần.

Do chưa có khu xử lý chất thải rắn, tại làng nghề Mẫn Xá xảy ra tình trạng đổ trộm xỉ thải ra môi trường, chất cao như núi. Ảnh: Vân Trường

Không chỉ khu xử lý nước thải, dự án khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải làng nghề xã Văn Môn, diện tích 3,8 ha hiện cũng đang chậm tiến độ, chưa thể triển khai xây dựng do công tác giải phóng mặt bằng vô cùng khó khăn, phức tạp.

Theo Hội đồng bồi thường, hỗ trợ GPMB huyện Yên Phong, tại dự án khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải làng nghề xã Văn Môn, sau 6 đợt chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ GPMB, đến ngày 28.7.2023, đã chi trả hơn 5,9 tỉ đồng/ hơn 10,6 tỉ đồng diện tích đất nông nghiệp, với 43/78 lượt hộ nhận tiền.

Còn 35 lượt gia đình cố tình không nhận tiền bồi thường và bàn giao đất theo quy định mặc dù đã được vận động, thuyết phục nhiều lần.

Hầu hết các hộ không đồng ý với giá tiền bồi thường, hỗ trợ là 158 triệu đồng đối với đất nông nghiệp ổn định lâu dài, đòi hỏi chế độ bồi thường, hỗ trợ cao hơn mức nhà nước quy định (từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng/1 sào).

Cố tình không đồng thuận sẽ cưỡng chế

Liên quan đến khu xử lý chất thải tại cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, đại diện Tập đoàn Hanaka, chủ đầu tư dự án cho biết, đã nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan chức năng ở địa phương sớm bàn giao mặt bằng sạch cho 2 ha còn lại nhưng không có nhiều tiến triển.

"Cực chẳng đã, chúng tôi phải xây dựng trạm xử lý nước thải trên diện tích 1,1 ha đã được giải phóng mặt bằng, hiện đã hoàn thiện và đưa vào vận hành thử nghiệm", đại diện Tập đoàn Hanaka nói.

Khu xử lý nước thải cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá đến nay mới có thể hoàn thiện, vận hành thử nghiệm là do thiếu mặt bằng. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Còn dự án khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải làng nghề xã Văn Môn, ngày 12.9.2023, UBND huyện ban hành Quyết định số 3246/QĐ-UBND về việc thành lập Ban thực hiện cưỡng chế thu hồi đất.

Ban cưỡng chế sẽ tổ chức đối thoại với các trường hợp không nhận kinh phí bồi thường trước ngày 25.10.2023; Ban quản lý các dự án xây dựng tổ chức chi trả kinh phí dự kiến ngày 31.10.2023, nếu các hộ vẫn cố tình không đồng thuận sẽ trình cấp có thẩm quyền và tổ chức cưỡng chế xong trước tháng 11.2023 để bàn giao mặt bằng thực hiện triển khai xây dựng dự án.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn