MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động đến nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội. Ảnh: Mạnh Dũng

Kịch bản thị trường lao động trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp

ANH THƯ LDO | 12/08/2021 17:43

Trước những diễn biến khó lường của dịch COVID-19, Cục Việc làm đưa ra những kịch bản dự báo thị trường lao động.

Nghịch lý cung - cầu lao động

Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đánh giá, thị trường lao động cũng sẽ ngày càng khó phục hồi. Các ngành như du lịch, dịch vụ, hàng không, vận tải,… tiếp tục khó khăn chưa có khả năng phục hồi từ năm 2020 đến nay.

Dịch COVID-19 đã tấn công vào các khu vực kinh tế trọng yếu, các doanh nghiệp với quy mô lao động lớn tập trung ở khu chế xuất, khu công nghiệp, các điểm tập kết thu mua, tiêu thụ các sản phẩm….

Từ đó, các ngành chế biến, chế tạo, sản xuất… sẽ bị ngưng trệ, các chuỗi cung ứng sản phẩm bị đứt gãy ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm của người lao động làm công ăn lượng, các hộ gia đình, hợp tác xã.

Hàng trăm tàu du lịch thăm quan vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) phải nằm bờ cả tháng nay do tắc động ảnh hưởng của COVID-19 tới ngành du lịch. Ảnh: N.H

Theo Cục Việc làm, do dịch bệnh kéo dài gần 2 năm mà chưa có có dấu hiệu chấm dứt, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh không còn nhiều dư địa tài chính để chống đỡ cũng như làm sức bật để phục hồi, người lao động mất việc kéo dài nên việc di chuyển “ồ ạt về quê” như thời gian qua sẽ tạo thêm những khó khăn cho thị trường lao động.

Dự kiến số lao động về quê quay trở lại làm việc chỉ còn khoảng 60-70% nên nguy cơ thiếu hụt lao động để phục hồi trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát sẽ xảy ra ở các thành phố nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất.

Tuy nhiên, sẽ dư thừa lao động ở những nơi cung lao động lớn, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu tạo sẽ tạo nên một nghịch lý lớn về cung – cầu lao động.

Dự báo thị trường lao động

Cục Việc làm dự kiến một số kịch bản xảy ra. Với kịch bản tốt, trường hợp dịch được kiểm soát hoàn toàn, không có sự lây lan, bùng phát sang các địa phương trong tháng 8, các tỉnh dừng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ngay trong nửa đầu tháng 8, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cơ bản hoàn thành tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên…

Theo đó, thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề ở những tỉnh có số ca mắc lớn, phải thực hiện Chỉ thị 16 và một số địa bàn lân cận có ảnh hưởng liên quan.

Dự báo số lao động bị tác động tiêu cực trong Quý III.2021 là hơn 22 triệu người, tập trung vào lao động làm công ăn lương trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện phong tỏa, giãn cách như trong khu công nghiệp, khu chế xuất, làm việc trong các ngành chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú, bán buôn bán lẻ, nghệ thuật…

Người lao động được tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19. Ảnh Đức Long

Số lao động mất việc ước tính 500-600 nghìn người, số lao động ngừng việc, cắt giảm giờ làm khoảng 5 triệu người. Tuy nhiên, thị trường lao động lại có nhu cầu tuyển dụng lớn để phục hồi sản xuất kinh doanh, số lao động có nhu cầu tuyển dự kiến trong quý III trên 500 nghìn người.

Với kịch bản thường, trong trường hợp các tỉnh thành phố phía nam đã áp dụng mạnh mẽ các biện pháp để giãn cách xã hội, hỗ trợ những lao động ngoại tỉnh tạm thời không ồ ạt về quê,… nhưng số ca F0 liên tục tăng, không có chiều hướng giảm, một số tỉnh, thành phố miền Bắc, miền Trung cũng bắt đầu gia tăng số ca F0 thì dự báo số lao động bị tác động tiêu cực trên 30 triệu người, tập trung vào các ngành chế biến chế tạo, vận tải, du lịch, lưu trú, bán buôn, bán lẻ,….

Với kịch bản xấu, việc triển khai mua và tiêm vaccine cũng đã nỗ lực hết sức nhưng nguồn cung cho Việt Nam không đáp ứng nhu cầu, không được bàn giao theo đúng tiến độ nên kế hoạch tạo miễn dịch cộng đồng gặp khó khăn, dịch bệnh kéo dài khiến nguồn lực cạn kiệt, người dân rơi vào tình trạng mất việc làm, không đảm bảo được điều kiện sống khiến dịch bùng phát trên toàn quốc với mức độ nguy hiểm, mất kiểm soát.

Dự báo thị trường lao động sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, sẽ gần 40 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực, lao động trong các ngành, nghề đều bị ảnh hưởng nặng nề.

Cục Việc làm cho rằng, thị trường lao động Việt Nam đang tồn tại tiềm ẩn nguy cơ mang tính dài hạn cả về phía cung lẫn cầu lao động.

Để kiểm soát dịch bệnh, chuẩn bị cho phục hồi kinh tế, Cục Việc làm cho rằng, cần tập trung vào 2 nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động trong thời gian phòng, chống dịch; các giải pháp để làm cơ sở phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, ổn định xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn